Bản thân tôi cho rằng, những người chỉ trích, đánh giá có phần miệt thị như vậy đã hiểu sai hoàn toàn về việc xếp hàng. Họ đã đóng đinh trong đầu rằng, việc “xếp hàng” là đặc sản của nền kinh tế kế hoạch, của thời bao cấp, còn kinh tế thị trường thì hàng hoá thừa thãi, người tiêu dùng tha hồ lựa chọn, chẳng bao giờ phải xếp hàng. Thực ra không phải vậy, xếp hàng không phải “đặc sản” của nền kinh tế bao cấp, xếp hàng là khi nhu cầu của người sử dụng cao hơn khả năng cung cấp. Xếp hàng cũng là biểu hiện của sự văn minh (tất nhiên là xếp hàng trật tự, không chen lấn).
Thực khách xếp hàng chờ gọi món, thanh toán tại quán phở Tâm (Mai Anh Tuấn, Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Linh Trang Có lẽ, các bạn ấy chưa biết một sự thật rằng, hiện tại, người dân phải xếp hàng nhiều nhất chính là ở Mỹ, Nhật, Pháp, Italy và nhiều nước Âu, Mỹ khác, các nước điển hình cho nền kinh tế thị trường. Ở các nước ấy, người dân không những phải xếp hàng khi ăn uống, mua sắm, mà còn phải xếp hàng cả khi vào viện bảo tàng, khu vui chơi, giải trí nữa. Thậm chí, đôi khi, họ phải xếp hàng lên đến 1-2 tiếng, thậm chí 3-4 tiếng chỉ để sử dụng một nhu cầu nhỏ mà thôi.
Từ năm 2016, tôi đã chia sẻ trải nghiệm khác biệt của mình tại Tokyo. Dù là khách sạn 5 sao, thực khách vẫn phải xếp hàng, ít thì 5-10 phút, nhiều thì 20-30 phút. Ở Mỹ cũng vậy, các trò chơi trong công viên Disneyland và Universal Studios thường xếp hàng trung bình mất 45 phút, trò hấp dẫn có thể đến 1h30 phút.
Một lần ở Los Angeles chúng tôi đi ăn tối ở nhà hàng Nhật Bản. Tôi và rất nhiều thực khách xếp hàng từ ngoài hè phố, giữa mùa đông giá lạnh, 15 phút sau mới vào được trong nhà hàng. Khi đó, chúng tôi mới được ghi tên và số người, mất thêm 15-20 phút nữa mới được gọi tên và xếp bàn ăn.
Ở San Francisco có một quán phở gà Hà Nội nguyên gốc (nước phở trong, chanh quả tươi, ớt chỉ thiên tươi, rau húng láng...), chủ quán là người đàn ông gốc phố Hàng Bồ, Hà Nội. Quán đông, diện tích bé, ông chủ dán tờ giấy trước cửa và để cây bút bi bên cạnh, khách đến tự ghi tên rồi đứng ngoài phố chờ, khi nào gọi thì vào.
Một tối khác, khi đi lang thang ở San Francisco, thấy nam thanh nữ tú xếp hàng dài, rồng rắn trên hè phố. Tò mò, tôi tới xem, hoá ra họ xếp hàng vào bar, mà bar chỉ có một dàn nhạc sống, uống bia, rượu, không có gì khác. Dù xếp hàng lâu như vậy nhưng tất cả mọi người rất kiên nhẫn, trật tự, lịch sự, không sốt ruột, không ồn ào, dù là ở công viên, nhà hàng, quán bar, hay trong khách sạn 5 sao.
Đầu năm nay, trong chuyến đi Nhật, tôi còn xếp hàng hơn 60 phút chỉ để ăn một bát mì ramen ở Tokyo hoặc xếp hàng hơn 60 phút để ăn bữa tối ở nhà hàng sushi ở Hokadate. Nhiều người Mỹ, người Nhật cũng xếp hàng vào ăn ở các nhà hàng ấy.
Vợ chồng ông Đỗ Cao Bảo tại quán cà phê New York ở Thủ đô Budapest, Hungary. Quán cafe gần 130 năm tuổi này được mệnh danh là “quán cafe đẹp nhất thế giới”. Dòng người xếp hàng vào quán kéo dài từ hè phố, từ sáng tới tối không lúc nào vắng khách Quay lại chủ đề “tại sao phải xếp hàng chỉ để ăn một bát phở”, tôi cho rằng, cùng để ăn, nhưng con người ta có nhu cầu khác nhau, người thì ăn để khỏi đói, người thì muốn ăn ngon, người thì lại muốn thưởng thức món ăn. Người ăn để khỏi đói, thì ăn chỗ nào cũng được, miễn là giá cả vừa túi tiền, không phải xếp hang mất thời gian. Người ăn phải ngon, hợp khẩu vị thì phải chọn quán ăn, chọn món ăn mà họ cho là ngon, họ chấp nhận đi xa chút, chờ lâu một chút. Còn người có nhu cầu thưởng thức món ăn thì họ chọn một nhà hàng (hay một quán phở) mà họ muốn thưởng thức. Với họ món ăn không chỉ ngon, mà phải có hương vị đặc biệt, được trình bày đẹp mắt. Với họ xếp hàng cũng được, thậm chí phải đặt trước cả tuần, cả tháng họ cũng sẵn sàng.
Rõ ràng là nhu cầu ăn uống của mọi người là rất khác nhau, thế nên đừng lấy suy nghĩ của mình áp đặt cho người khác. Mình không muốn xếp hàng để ăn phở thì mình đi hàng phở khác, thậm chí đi ăn miến, ăn bún, ăn bánh mỳ cũng được, còn người khác họ chấp nhận xếp hàng, thậm chí đặt hàng trước cả tuần, cả tháng là việc của họ, cần tôn trọng, chẳng có gì “khổ hay nhục” đâu, nói khổ, nói nhục vì ăn thì chả nhẽ người Mỹ, người Nhật, người Pháp, người Italy cũng nhục vì ăn à?
Tôi thì cho rằng khi đã bắt đầu có xếp hàng vào quán phở, vào nhà hàng thì có nghĩa rằng Việt Nam chúng ta đã văn minh hơn và kinh tế đã khá hơn, đã giàu có hơn, thế thì phải vui mừng chứ nhỉ?
Vợ chồng ông Bảo đặt trước hai tháng để thưởng thức bữa ăn ở nhà hàng Ninja, Tokyo, Nhật Bản Hình ảnh thực khách xếp hàng chờ ăn phở tại một số quán có tiếng ở Hà Nội gần đây nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Không ít cư dân mạng cho rằng như vậy là "khổ, nhục vì ăn", "có phải thời bao cấp nữa đâu mà phải mất thời gian chờ ăn". Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến ở chiều ngược lại cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà đến các quốc gia phát triển trên thế giới, du khách cũng phải xếp hàng chờ thưởng thức các món ngon. Nhiều nhà hàng, cửa tiệm trở thành điểm đến hút khách quốc tế nhờ hình ảnh xếp hàng.
Chuyên mục Du lịch VietNamNet mời quý độc giả chia sẻ câu chuyện, quan điểm về chủ đề Xếp hàng chờ ăn: Văn minh hay 'miếng khổ'? đến email [email protected] . Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo qui định toà soạn.
Xin chân thành cảm ơn.
">