Trao đổi với VietNamNetsáng 30/9, ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc, cho biết clip đăng tải trên mạng xã hội chỉ là một đoạn rất ngắn trong tiết sinh hoạt của lớp, do đó dễ gây hiểu nhầm cho người xem là cô giáo bạo hành học sinh. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, tức không có việc cô đánh hay phạt học sinh phải quỳ.
“Học sinh này mắc nhiều lỗi và hôm đó có một lỗi liên quan về mua bánh nên bị cô giáo mời ra ngoài. Khi ra ngoài được hơn 10 phút, em này khóc, xin lỗi cô giáo và quỳ xuống ở cửa lớp. Cô bảo học sinh đứng dậy, em vẫn cứ quỳ và nói "cô tha lỗi cho em". Cô giáo tiếp tục yêu cầu học sinh đứng dậy vì sợ mọi người hiểu nhầm.
Lúc đó, sức khỏe nữ sinh không được tốt nên em đã nằm xuống nền nhà, tư thế "người mềm như tàu lá". Khi đó, cô giáo đã có động tác chưa phù hợp là dùng tay kéo áo học sinh đứng dậy, lời nói của cô giáo cũng chưa chuẩn mực. Việc này dễ gây hiểu nhầm, không có chuyện bạo hành. Sự việc xảy ra, chúng tôi rất lấy làm tiếc”, ông Hiền thông tin.
Ông Hiền cho hay, việc nữ sinh quỳ xin lỗi cô trước cửa lớp là do nữ sinh tự ý và sự việc chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút, không có chuyện cô giáo yêu cầu học sinh quỳ bên ngoài cửa lớp.
“Chiều 29/9, nhà trường đã yêu cầu cô giáo làm bản tường trình chi tiết. Chúng tôi cũng nhắc nhở lời nói và hành động của cô giáo là chưa chuẩn mực, biến việc từ bé thành việc lớn. Do đó khiến mọi người dễ hiểu nhầm khi xem clip.
Nhà trường cũng đã làm việc với phụ huynh và học sinh, qua đó tôi đã thay mặt trường xin lỗi phụ huynh về việc giáo viên vì nhiều lý do đã có hành động chưa chuẩn mực”, ông Hiền nói.
Vị hiệu trưởng cho biết, qua làm việc và tường trình, học sinh nhận lỗi là do mình. Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh nguyên nhân sự việc để đưa ra thông tin chính xác, cụ thể.
Khiến nữ sinh quỳ khóc ở cửa lớp, hình thức xử lý cô giáo phải đối mặt
Các luật sư đã đưa ra những phân tích về những hình thức xử lý mà cô giáo có thể phải đối diện trong vụ việc nữ sinh Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) quỳ khóc trước cửa lớp.">