Thời điểm đó, phụ huynh có con theo học cô giáo này cũng phản ánh, con mình chỉ bài cho bạn liền bị cô mắng chửi. Ngay sau khi nắm bắt thông tin sự việc, Sở GD-ĐT TP.HCM đã vào cuộc. Cô giáo hứa sẽ thay đổi, cởi mở, thân thiện hơn với học trò đồng thời trong giờ học sẽ có sự tương tác với học sinh.
Hay gần đây, một clip dài hơn 1 phút được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh ở một lớp học. Trong clip, thầy giáo ngồi ở bàn giáo viên giảng bài, bất ngờ dùng tay gõ mạnh xuống bàn. Nhiều học sinh đã giật mình trước hành động khác thường này.
Sự việc chưa dừng lại tại đó, nam giáo viên còn lớn tiếng nói: “Học dốt… viết đoạn văn 150 chữ, thi làm bài không được, bây giờ tôi hướng dẫn không nghe. Đầu trâu, đầu chó gì đó, không phải đầu người. Không muốn vào lớp, nói thẳng ra là vậy...”.
Sự việc được xác định xảy ra từ hơn nửa năm trước, trong giờ ôn tập môn Ngữ văn ngày 24/11/2022 tại một lớp 10, Trường THPT Võ Thị Hồng (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Về phía học sinh gần đây xuất hiện "trend" bình phẩm về đời tư của thầy cô giáo. Trên fanpage của không ít trường học, các admin phải chặn rất nhiều thông tin học sinh bình phẩm, đánh giá phương pháp giảng dạy hay cả ngoại hình và đời tư của giáo viên.
Tại fanpage một trường THPT ở quận TP.HCM đã từng xảy ra khẩu chiến giữa học sinh các lớp sau dòng trạng thái của một học sinh đánh giá về một thầy giáo môn Toán.
Tại nhiều trường khác, học sinh hưởng ứng trào lưu “flex” (khoe khoang) giáo viên chủ nhiệm bằng lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo. Đây là một trong những hệ quả tiêu cực của việc học sinh sử dụng mạng xã hội không kiểm soát, đồng thời các trường chưa phát huy hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Nhiều giải pháp sẽ được thực hiện
PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng việc bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên, đặc biệt là phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực là hết sức cần thiết.
Theo ông Nam, hiện nay, cách xử phạt truyền thống khi học sinh phạm lỗi đang được nhiều giáo viên sử dụng là dùng hành vi và dùng lời nói, cử chỉ làm cho học sinh sợ hãi, đau đớn, xấu hổ để không tái phạm hành vi. Trong khi đó, hình phạt tích cực (kỷ luật tích cực) hiện đang được nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến áp dụng, lại chỉ ra cho trẻ thấy mình mất cơ hội, mất quyền lợi nếu phạm lỗi.
Vì vậy, ngoài các bồi dưỡng công tác chuyên môn, các nhà trường cũng cần trang bị cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng về giáo dục kỷ luật tích cực và tạo điều kiện để các thầy cô được trải nghiệm quản lý lớp học tích cực trong nhà trường một cách thực chất, từ đó có những ứng xử phù hợp khi học sinh phạm lỗi.
Tại TP.HCM, ngành giáo dục đang đẩy mạnh mô hình “Trường học hạnh phúc”. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng khi môi trường dạy học thay đổi, giáo viên phải chủ động thích ứng, phát huy hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Đồng thời, việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh phải thực chất. Phải giáo dục để các em thay đổi nhận thức từ những thói quen nhỏ nhất, chứ không chỉ dạy một cách đối phó, hình thức.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, trong năm học 2023-2024 tới, ngành giáo dục địa phương sẽ đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Trong đó, trường học triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn và thân thiện.
Là đồng nghiệp, tôi rất thông cảm khi thầy còn thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc để nói ra những lời không đẹp, không hay nhưng đây cũng là bài học thầy cần khắc ghi.
Không chỉ riêng thầy, nhiều giáo viên khác cũng dễ nổi nóng khi dạy học sinh. Bản thân tôi cũng từng có bài học sâu sắc khi mới ra trường. Hôm nay, tôi xin được kể lại câu chuyện này mong các đồng nghiệp có thêm kinh nghiệm trong xử lý tình huống phát sinh trong dạy học.
37 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi trong lòng và có lẽ không bao giờ quên được lời nhắn gửi của một phụ huynh ngày đó. Nó như một bài học vỡ lòng khi tôi mới vào nghề "gõ đầu trẻ". Năm 1986, tôi nhận quyết định về giảng dạy ở trường phổ thông cơ sở Diên Tân (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) - một xã kinh tế mới của huyện Diên Khánh lúc bấy giờ.
Đời sống người dân nơi đây hết sức khó khăn. Hàng ngày, họ chỉ biết vào rừng chặt củi về bán để sống qua ngày. Nhiều học sinh sáng đến trường, chiều theo cha mẹ vào rừng chặt củi. Đồng ruộng khô cằn, người dân chỉ canh tác được một vụ vào tháng mười âm lịch khi bắt đầu có mưa.
Hôm đó, thấy nhiều học sinh lớp 7 đi chân không vào lớp, tôi liền nói: “Các em ở trên này nên giống người ở đây rồi đấy”. Ý tôi muốn nói các em không đi dép như thói quen của người dân nơi đó hay để chân trần. Bản thân tôi nghĩ đơn giản như vậy và không hề có ý nghĩ xúc phạm.
Không ngờ, tối hôm ấy, có 3 phụ huynh đến khu tập thể nơi tôi ở. Tình huống này khiến tôi bối rối, tôi thật sự tôi không biết phụ huynh gặp tôi có chuyện gì. Một phụ huynh hỏi: “Tại sao thầy nói con tôi như vậy?”. Lúc này, tôi mới hiểu rằng câu nói sáng nay của mình đã gây ra sự không hài lòng cho phụ huynh.
Tôi hoang mang vì lần đầu tiên tiếp phụ huynh trong tình thế này. Tôi không biết họ có hiểu ý của tôi không (muốn nhắc nhở các em chứ không định xúc phạm các em hay tập tục của người dân địa phương)?
Thật sự, tôi hơi run vì mới ra trường chưa có kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề với phụ huynh. Tôi cố bình tĩnh, trả lời: “Ý tôi muốn nói các em phải đi dép, không nên đi chân không lỡ không may dẫm phải đinh, gai rất nguy hiểm”.
Một phụ huynh khác lên tiếng: “Con tôi làm gì có dép để đi?”. Lúc này, tôi thật sự hối hận không biết được phụ huynh rất nghèo, không có tiền mua cho con đôi dép đi học. Tôi chỉ biết nói lời xin lỗi... Rất may, sau đó, phụ huynh cũng hiểu và thông cảm về lời nói của tôi. Khi ra về, phụ huynh nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Thầy cần phải học nói”.
Tôi rất buồn và tự trách mình chưa tìm hiểu vì sao nhiều em không có dép mà vội nói như vậy và tôi cũng buồn vì lời nói của mình dù chỉ xuất phát từ nỗi lo cho học trò. Tuy buồn nhưng qua đó cũng thêm kinh nghiệm sống: Hãy thận trọng trước khi nói, nhất là đối với học sinh. Thầy cô cần phải tìm hiểu kỹ vì mỗi em có hoàn cảnh khác nhau, năng lực nhận thức không giống nhau nên cần tiếp cận, sẻ chia giúp các em. Đừng để lời nói thốt ra một cách vội vã và nỗi ân hận kéo dài.
Điều 6 Thông tư 06 cũng đã quy định về việc ứng xử của giáo viên đối với người học. Đó là: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Thầy cô không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Khi giáo viên xúc phạm học sinh sẽ bị xử lý theo Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Nghị định này quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học.
Đó là phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.
Như vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào, thầy cô cũng không được xúc phạm gây tổn thương cho học sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ sau này. Thầy cô cũng không dùng lời lẽ thiếu chuẩn mực, mất kiểm soát hành vi đối với học trò với lời bao biện “thương cho roi cho vọt…”.
Mỗi khi trò vi phạm, thầy cô cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để giúp các em tránh sai lầm lần sau đó mới chính là giáo dục tích cực trong trường học.
Kể lại câu chuyện của mình, tôi mong đồng nghiệp hãy hiểu rằng ở những nơi học sinh còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nếu không thể giúp được các em cũng nên thông cảm, đừng bắt học sinh phải theo những quy định do thầy cô đặt ra, vô tình làm khó học sinh như: phải có thắt lưng, không được đi dép không có quai hậu, phải mặc đồng phục, phải có cặp đựng sách vở...
Trong quá trình học, trò phạm lỗi, sự thấu hiểu, cảm thông và tôn trọng sẽ giúp người thầy cảm hóa được trò để các em thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đúng nghĩa.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Độc giả nghĩ gì về vấn đề này có thể gửi ý kiến về phần phản hồi của bài viết hoặc email: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn! |