Xe máy điện có khả năng lội nước tốt, nhưng cần kiểm tra ngay để tránh hậu quả về sau. Ảnh: VinFastTheo báo Thanh Niên, xe điện khá an toàn khi đi qua vùng nước ngập sâu, hầu hết đều được trang bị bảo vệ chống nước theo tiêu chuẩn IP65 hoặc IP67. Các tiêu chuẩn quốc tế này thể hiện sự bảo vệ khỏi hai yếu tố: Bụi và nước. Con số càng lớn, khả năng chống bụi và nước càng cao. Xe điện hiện đại thường có tiêu chuẩn IP67, cho phép xe ngâm ở mức nước cao tới 1 mét trong tối đa 30 phút mà không bị xâm nhập.
Nhà sản xuất ô tô điện thường nhấn mạnh đến các tiêu chuẩn IP65 hay IP67 cũng chỉ là "kháng nước" chứ không phải chống nước hoàn toàn. Các trường hợp xe hư hỏng do lội nước sẽ không được bảo hành.
Xe điện ít có các dấu hiệu hư hỏng ngay lập tức sau khi lội nước như các xe chạy bằng xăng dầu nên tạo ra tâm lý chủ quan cho người dùng. Các hư hỏng thường thấy sau khoảng thời gian đến từ các chi tiết điện, điện tử và cơ khí bị ngấm nước và ẩm mốc.
Nhiều người tin rằng, xe điện có khả năng vượt qua các vùng ngập sâu và không sợ ngập úng như xe động cơ đốt trong truyền thống, chúng không sợ bị mắc kẹt hay chết máy giữa chừng. Bài viết trên Báo điện tử Vietnamnet từng cảnh báo đây là nhận định sai lầm.
Tổ chức chuyên gia về xe điện Electrifying cũng khẳng định, không có sự khác biệt nào giữa xe điện và xe động cơ đốt trong về việc đi qua khu vực ngập nước. Nói đơn giản, bất kể bạn đang điều khiển loại phương tiện nào, cũng cần phải tránh tối đa hết mức có thể đối với các vùng ngập lụt để đảm bảo an toàn cho cả chiếc xe lẫn bản thân người bên trong.
Một số chuyên gia còn khuyến cáo, xe máy điện, tuyệt đối không được đi xe qua vùng này, vì khi đó nước rất dễ vào ắc quy hoặc pin, "một khi ắc quy hay pin ngập nước thì sẽ bị hỏng và chắc chắn bạn sẽ phải thay mới ngay".
Nhận biết và xử lý xe máy điện bị vào nước
Việc đi xe máy điện qua vùng ngập nước hay dưới trời mưa là điều có thể xảy ra không theo ý muốn. Vậy khi xe máy điện bị vào nước có những hiện tượng gì và cần phải làm gì?
Để ngăn không bị ngấm nước, người dùng cần chống thấm các đầu nối điện. Khi vượt qua thời gian ngập úng, bạn nên kiểm tra các bộ phận động cơ của xe. Việc này để đảm bảo nước bẩn không bám vào hệ thống điện, bugi và các khu vực động cơ cũng như hệ thống thắng. Tránh việc ăn mòn các bộ phận trên xe, nếu cần thiết nó để đảm bảo việc lưu thông sau này được an toàn hơn.
Các kỹ sư điện cũng đã thống kê một số nguyên nhân thường gặp và hướng dẫn cách xử lý:
Thứ nhất, xe không chạy được, mở khóa điện vẫn báo nhưng khi kéo tay ga thì xe không lăn bánh. Nguyên nhân xe bị chập điện ở tay bóp phanh. Trong phanh xe điện có nút gọi là nút công tắc ngắt phanh, khi bóp phanh sẽ ngắt điện tay ga điều khiển ga.
Khi xe bị ngập nước hay đi dưới mưa trong thời gian dài, bộ phận này bị ngấm nước dẫn đến hiện tượng truyền dẫn điện làm ngắt điện ở bộ phận tay ga, từ đó gây ra hiện tượng xe không lăn bánh. Cách khắc phục, bạn cần để xe ở nơi khô ráo, không bị mưa hay ngập nước. Sau đó hãy dùng máy thổi hơi, máy sấy tóc làm khô bộ tay phanh hai bên là xe có thể chạy được.
Thứ 2, xe bốc khói, chập cháy các dây dẫn điện, vì nước có tính dẫn điện, do đó khi bị ngập nước sẽ dẫn điện từ cực âm sang cực dương gây ra hiện tượng đoản mạch, cháy chập. Cách khắc phục, trong thời gian ngắn nhất có thể, bạn hãy đưa xe ra khỏi vùng ngập nước và mang xe đến các điểm bảo dưỡng để được khắc phục kịp thời.
Thứ 3, dắt xe có cảm giác nặng, bó bánh, lúc này rất có thể xe đã bị ngập nước, chập cháy, tức là bộ phận điều khiển (hay còn gọi là IC) đã bị hỏng. Khi IC hỏng, sẽ thông mạch 3 pha trong động cơ xe điện, các lá từ nam châm trong xe khi bị thông mạch với nhau sẽ tạo lực từ hút làm cho bánh xe bị bó và cảm giác dắt xe rất nặng.
Cách khắc phục tốt nhất là gọi cứu hộ, hỗ trợ hoặc đi vào một tiệm sửa xe gần nhất. Nếu có dụng cụ, trước tiên bạn cần tháo bỏ 3 dây dẫn xuống động cơ đó chính là 3 pha của động cơ, bạn tháo xong là xe có thể dắt đi bình thường. Lúc này bạn có thể đẩy xe đến trung tâm bảo hành hoặc thay thế IC mới.
Thứ 4, còi, đèn, xi nhan không điều khiển được, nguyên nhân là do nước có tính dẫn điện, khi nước vào bên trong xe gây ra hiện tượng các bộ phận công tắc bị dẫn điện với nhau. Từ đó rất khó để điều khiển từng bộ phận. Cách khắc phục, dùng máy thổi hơi thổi khô các bộ phận bị chập.
Thứ 5, mở khóa mà xe không báo điện. Nguyên nhân, trên xe có trang bị bộ attomat khi bị chập sẽ ngắt để bảo vệ điện cho xe. Một nguyên nhân nữa là trong bộ ắc quy có một cầu chì lá, khi ngập nước hay bị chập cầu chì này cũng sẽ tự động đứt chì để bảo vệ thiết bị.
Trời mưa đừng quên dùng áo mưa che cả phần đầu của xe điện. Nên hạn chế đi vào đoạn đường bị ngập sâu, không đi quá lâu trong trời mưa gió. Ngoài ra, không nên để xe trần dưới trời mưa.
Theo VTC News
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
">