Việt - Đức dính liền nhau cho tới khi 6 tuổi. Ảnh: PLO
Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh năm 1981 tại Kon Tum, dính liền nhau ở phần bụng, chung hậu môn, bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân cụt. Hai em được đưa ra Hà Nội chữa trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Tên bệnh viện được sử dụng để đặt cho hai em.
Sau đó, Việt - Đức được đưa vào theo dõi ở Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Năm lên 6 tuổi, Việt bị hội chứng não cấp nên hôn mê, phải sang Nhật chữa trị nhưng không khỏi.
Anh Nguyễn Đức (thứ ba, từ trái sang) cùng vợ con hội ngộ êkíp mổ 30 năm trước. Ảnh: PLO
Ngày 4/10/1988, Bệnh viện Từ Dũ tiến hành mổ tách rời cặp song sinh này với sự tham gia của 70 y bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản.
Việt đã nhường cho em tất cả các bộ phận chung. Sau mổ, Việt sống thêm 19 năm nhờ hậu môn nhân tạo, thông tiểu bằng ống.
Trong khi đó, Đức lấy vợ sinh hai con khỏe mạnh. “Mỗi ngày tôi luôn nhắc nhở bản thân phải sống tốt, sống thật ý nghĩa để đền đáp lại công ơn của những người cha, người mẹ thứ hai đã đem tôi đến cuộc đời này”, anh Đức bày tỏ sự biết ơn với các bác sĩ.
Nghĩa - Đàn
Nghĩa (phải) năm 10 tuổi và em gái. Ảnh: Lao Động
Đầu năm 2002, hai bé Ngô Bá Nghĩa và Ngô Bá Đàn (Nghệ An) chào đời dính nhau rất nhiều phần nội tạng. Hai anh em chung màng tim, màng phổi, xương ức, nhiều đoạn ruột, cơ hoành, tá tràng, ống mật chủ, tụy, cuống gan.
Tới tháng 8 năm đó, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành mổ tách hai bé song sinh. Sau 8 giờ phẫu thuật, hai bé đã được tách rời.
Sau mổ, bé Đàn bị nhiễm trùng đường mật, suy gan và mất gần 3 tháng sau. Nghĩa được bố mẹ đưa trở về quê nhà Nghệ An khi sức khỏe ổn định.
Cúc - An
Sau hơn 10 năm tách rời, hai cô bé song sinh dính liền Lê Thu Cúc, Lê Thúy An hạnh phúc sở hữu những cơ thể của riêng mình.
Trước đó, ngày 6/12/2002, hai bé Cúc - An (quê Thanh Hóa) chào đời dính liền nhau từ xương ức đến bụng. Cả gia đình đều sốc vì chỉ biết sẽ sinh đôi chứ không hay có tình trạng trên.
Trong chuyến công tác về Thanh Hóa, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, khi đó là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đã đề nghị đưa hai bé ra Hà Nội khám chữa.
Tháng 10/2013, hai bé được phẫu thuật tách rời trong ca mổ kéo dài 10 tiếng. Ê-kíp tham gia có hơn 50 y bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) và chuyên gia Mỹ.
Khi đó, các bác sĩ tiên liệu, khả năng cứu sống thành công cả hai bé là 50-60%. Hai bé có chung nhiều cơ quan nội tạng như gan, đường tiêu hóa, màng tim, cơ hoành, xương ức. An bị dị tật tim bẩm sinh, Cúc bị u máu ở cánh tay và ngực.
Cu - Cò
Ngày 17/12/2008, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện tách ca song sinh dính nhau Nguyễn Văn Cu - Nguyễn Văn Cò ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Trước đó 15 ngày, hai bé Cu - Cò chào đời với phần bụng dính liền. Các bộ phận đầu, tay, chân, bộ phận sinh dục, tim, gan… tách riêng và khá nguyên vẹn.
Tuy nhiên, Cu bị dị tật tim, Cò bị hẹp tá tràng. Ca mổ kéo dài 2 tiếng, nhanh hơn dự kiến, giúp hai bé có cơ thể độc lập.
Long - Phụng
Bé Long hôn từ biệt bé Phụng ra đi mãi mãi
Năm 2012, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận 2 bé trai song sinh dính liền quê ở Ninh Thuận tên là Phi Long và Phi Phụng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chưa thể làm phẫu thuật tách do thể trạng các bé quá yếu và dính nhau ở những phần phức tạp (tim, gan, mật).
Sau 14 tháng được nuôi dưỡng tại Khoa Hồi sức Tích cực, bé Phụng bị co gồng do di chứng xuất huyết não sơ sinh, viêm phổi nên phải thở máy. E ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới tính mạng của cả hai, bác sĩ đã quyết định tới lúc phải tách rời các bé ra.
Ca phẫu thuật diễn ra vào sáng 26/11/2013, kéo dài 12 tiếng với sự tham gia 70 y bác sĩ.
Sau ca phẫu thuật, bé Phụng hồi phục chậm, xuất hiện những chuyển biến xấu về sức khỏe và qua đời vào ngày 23/2/2014.
An Yên tổng hợp
Hình ảnh trong phòng mổ, đã tách dính thành công hai bé song sinh
14h chiều nay, các bác sĩ đã tách dính hoàn toàn 2 bé chuyển thành 2 ê-kíp. Bước tiếp là khép lại cơ quan nội tạng và tạo hình. Gần 100 người đang nỗ lực để trả lại hai bé một cuộc đời lành lặn như các em nhỏ khác.
">