Tiếp xúc với vi sinh vật trong môi trường tự nhiên, trong đó có đất, sẽ tốt cho hệ miễn dịch của trẻ (Ảnh: Getty Images). Cách đây vài chục năm, trẻ nhỏ nghịch đất là hoạt động thường gặp. Ngày nay điều đó ít hơn nhiều, nhất là với trẻ ở thành phố. Có ý kiến cho rằng cho trẻ ra ngoài chơi, tiếp xúc với đất là tốt. Vậy có bằng chứng nào cho việc này không?
Câu trả lời ngắn gọn là "có". Một số nghiên cứu cho thấy nghịch đất khi còn nhỏ có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc chứng dị ứng và tăng cường miễn dịch.
Khi hệ thống miễn dịch của trẻ phát triển trong những năm đầu đời, "đội quân" tế bào bảo vệ trong cơ thể sẽ học cách phân biệt giữa tế bào của cơ thể với các chất lạ từ bên ngoài là vô hại hoặc gây bệnh và học cách tấn công khi phát hiện các mầm bệnh.
"Hóa ra hệ thống miễn dịch làm được việc này chủ yếu là nhờ các vi khuẩn trong ruột. Tập hợp các vi khuẩn này được gọi là "hệ vi sinh đường ruột" và rất cần thiết cho sức khỏe của chúng ta", Giáo sư Graham Rook ở Trường đại học London, Anh, chuyên gia về vi sinh y khoa, cho biết.
Năm đầu tiên của cuộc đời rất quan trọng đối với sự phát triển của hệ vi sinh vật. Trẻ sơ sinh nhận được vi khuẩn khi đi qua đường sinh nở của người mẹ và từ sữa mẹ. Khi lớn lên, trẻ thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn từ nhiều nguồn khác nhau.
Một lý thuyết được gọi là "giả thuyết bạn cũ" cho thấy càng tiếp xúc nhiều với vi khuẩn khi còn nhỏ thì hệ vi sinh vật của chúng ta càng đa dạng và do đó hệ thống miễn dịch càng nhận ra "bạn" và "thù" tốt hơn. Thuật ngữ "bạn cũ" được dùng để nói đến những vi khuẩn hữu ích hoặc vô hại sống trên cơ thể chúng ta.
Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ giữa việc lớn lên ở nông thôn hoặc trong gia đình có vật nuôi với khả năng trẻ em bị dị ứng ít hơn so với trẻ em sống ở thành phố hoặc không có vật nuôi.
Nghiên cứu cho thấy trẻ em lớn lên ở nông thôn ít bị dị ứng hơn (Ảnh: Getty Images). Giả thuyết những người bạn cũ giải thích vì sao việc lạm dụng kháng sinh trong giai đoạn đầu đời có thể tiêu diệt phần lớn hệ vi sinh vật đường ruột và việc sinh mổ - tức là trẻ sơ sinh không tiếp xúc với vi khuẩn âm đạo của mẹ - lại liên quan đến nguy cơ gia tăng dị ứng.
Một thử nghiệm ở Phần Lan đã xem xét liệu hệ thống miễn dịch của trẻ em thành phố có thể được tăng cường bằng cỏ và đất lấy từ rừng hay không, và phát hiện ra rằng trong vòng 1 tháng, những đứa trẻ chơi trên đất có "bộ sưu tập" vi khuẩn vô hại và có lợi đa dạng hơn, đồng thời cũng phát triển nhiều tế bào điều hòa miễn dịch trong máu hơn so với những đứa trẻ chơi trên sân rải sỏi.
Điều này nói lên rằng tiếp xúc với vi khuẩn trong đất có thể giúp hệ thống miễn dịch trưởng thành.
Tương tự như vậy, một nghiên cứu ở Thụy Điển công bố vào năm 2024 cho thấy trẻ em lớn lên ở trang trại bò sữa hoặc nhà có vật nuôi thì có tỷ lệ dị ứng thấp hơn so với những trẻ khác, và có nhiều vi khuẩn vô hại trong đường ruột hơn.
Tiến sĩ Robert Wood, Giáo sư nhi khoa ở bệnh viện John Hopkins, Baltimore, Mỹ, cho biết mặc dù hệ vi sinh vật rất quan trọng nhưng có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ tăng dị ứng ở mỗi người, trong đó có di truyền.
Ông cho rằng nên khuyến khích trẻ em ra ngoài và chơi trên đất. Mặc dù vậy, Giáo sư Wood lưu ý rằng những khu vực ô nhiễm nặng thì không tốt cho trẻ. Đất ở đây có thể chứa hóa chất độc hại hoặc các ký sinh trùng mà chúng ta phải tránh cho trẻ nhỏ gặp phải.
">