Liên quan đến dự án Khu phức hợp 6 sao The Spirit of Saigon, quận 1, TPHCM (hay còn gọi là “siêu” dự án tứ giác Bến Thành), theo thông tin cập nhật, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco) đã hoàn tất thoái vốn khỏi pháp nhân chủ đầu tư.
Chủ đầu tư “siêu” dự án tứ giác Bến Thành là Công ty TNHH Saigon Glory (Saigon Glory), công ty con thuộc Tập đoàn Bitexco với tỷ lệ sở hữu 100%. Đối tác nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Tập đoàn Bitexco tại Saigon Glory là Công ty TNHH bất động sản Phương Đông Hà Nội (Công ty Phương Đông Hà Nội).
"Siêu" dự án tứ giác Bến Thành ngừng xây dựng từ nhiều năm qua. Ảnh: Anh Phương Công ty Phương Đông Hà Nội có trụ sở tại tầng 10 tòa nhà Pacific Place, số 83B Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Minh Hiếu (ngụ TP Hà Nội).
Sau khi tiếp quản từ Tập đoàn Bitexco, ngày 2/10 vừa qua, Công ty Phương Đông Hà Nội đã ủy quyền cho 3 cá nhân đại diện để sở hữu vốn góp 7.000 tỷ đồng tại Saigon Glory.
Cụ thể, ông Trần Thanh Tú (ngụ TP Hà Nội) và ông Nguyễn Anh Đức (ngụ tỉnh Bình Dương) đại diện sở hữu vốn góp 2.100 tỷ đồng mỗi người. Riêng bà Trần Thị Minh Hiếu đại diện sở hữu vốn góp 2.800 tỷ.
Trong diễn biến có liên quan, 2 vị trí lãnh đạo cấp cao tại Saigon Glory đã có sự thay đổi. Theo đó, ông Vũ Quang Bảo không còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐTV công ty, thay vào đó là ông Trần Thanh Tú. Chức vụ Tổng giám đốc Saigon Glory cũng được đổi từ ông Trịnh Quang Công sang bà Nguyễn Thị Hải. Người đại diện pháp luật của công ty hiện nay là ông Trần Thanh Tú và ông Nguyễn Vũ Hải.
Như vậy, sau nhiều năm không có động thái triển khai “siêu” dự án tứ giác Bến Thành, đến nay Tập đoàn Bitexco đã hoàn tất chuyển giao dự án cho doanh nghiệp khác.
Ai sẽ trả 10.000 tỷ đồng trái phiếu?
“Siêu” dự án tứ giác Bến Thành có vị trí vô cùng đắc địa khi nằm đối diện chợ Bến Thành và sở hữu 4 mặt tiền các đường Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette, quận 1, TPHCM.
Theo quy hoạch, dự án được xây dựng trên khu đất 8.537m2, quy mô 2 toà tháp. Tháp A cao 55 tầng, chức năng là khu văn phòng cho thuê và khách sạn. Còn tháp B cao 48 tầng, chức năng là khu dịch vụ và căn hộ cao cấp.
Chủ đầu tư ban đầu của “siêu” dự án tứ giác Bến Thành là Tập đoàn Bitexco. Năm 2018, tập đoàn lập nên Saigon Glory và đến năm 2019 thì chuyển nhượng dự án cho công ty con này. Sau khi xây xong phần thô và 8 tầng khối đế, dự án bị ngưng xây dựng trong nhiều năm.
Sau khi trở thành chủ đầu tư dự án, từ tháng 6-8/2020, Saigon Glory đã phát hành 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho 10 lô trái phiếu này là toàn bộ vốn góp của Tập đoàn Bitexco tại Saigon Glory và tài sản hình thành trong tương lai tại tháp A của dự án.
Trước khi hoàn tất việc thoái vốn khỏi Saigon Glory, Tập đoàn Bitexco và Công ty Phương Đông Hà Nội đã thống nhất 3 điều khoản liên quan đến trách nhiệm thanh toán tiền gốc và lãi của 10 lô trái phiếu cho trái chủ.
Thứ nhất, Bitexco cam kết tiếp tục trả gốc và lãi của 10 lô trái phiếu từ ngày 1/9/2024 đến ngày 12/6/2025. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng sẽ trả lãi của kỳ thanh toán ngày 18/6/2025 cho trái chủ.
Thứ hai, Công ty Phương Đông Hà Nội sẽ trả gốc của kỳ thanh toán ngày 18/6/2025, đồng thời trả gốc và lãi từ sau ngày 18/5/2025 cho đến khi đáo hạn và tất toán toàn bộ nghĩa vụ.
Thứ ba, sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty Phương Đông Hà Nội sẽ thế chấp toàn bộ 100% vốn góp ở Saigon Glory tại Techcombank để đảm bảo nghĩa vụ trái phiếu.
Cao ốc Khu tứ giác Bến Thành xâm hại di tích Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Quá trình thi công Cao ốc Khu tứ giác Bến Thành đã gây nứt, lún nhiều hạng mục tại di tích Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Dù gây nguy hiểm cho khách tham quan và nhân viên bảo tàng, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục.
" alt="‘Siêu’ dự án tứ giác Bến Thành đổi chủ, 3 cá nhân nhận uỷ quyền sở hữu 7.000 tỷ"/>