Condotel hết thời,ếtthờinhàđầutưvỡmộngômquotbomnợquotănTếroger federer nhà đầu tư vỡ mộng ôm "bom nợ" ăn Tết
Việt Vũ(Dân trí) - Sau một năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trên cả nước vẫn đang tồn kho hơn 30.000 sản phẩm các loại bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Đầu tư vào condotel tưởng "mỏ vàng", hóa ra là "bom nợ"
Đầu năm 2018, qua lời giới thiệu người quen về một dự án condotel tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định bỏ ra 3,5 tỷ đồng để đầu tư 2 căn hộ 60 m2 tại đây.
Sau khi nhận nhà, chị Yến bỏ thêm 530 triệu đồng, để sửa sang, trang bị thêm nội thất để cho thuê. Như vậy, tổng số vốn ban đầu, chị Yến đã chi khoảng 4 tỷ đồng.
Thời điểm đầu, hoạt động cho thuê nhà làm nơi nghỉ dưỡng khá thuận lợi, mỗi tháng tạo ra nguồn thu trên dưới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch điêu đứng, các căn hộ của gia đình chị gần như bất động.
Chị Yến cho biết, khi quyết định đầu tư vào dự án này, chị đã phải vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng, với lãi suất 10,5%/năm. Hoạt động cho thuê không thể gánh nổi tiền lãi ngân hàng. Do đó, chị quyết định cắt lỗ 2 căn hộ condotel để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Dù vậy, trong suốt nửa năm rao bán, 2 căn hộ condotel tại Đà Nẵng vẫn không có người hỏi mua.
"Khi mua dự án này, chủ đầu tư cam kết năm đầu tiên sẽ có lợi nhuận 12%/năm, các năm tiếp theo lợi nhuận sẽ được cộng dồn dao động từ 2% - 3%. Tuy nhiên, do toàn bộ thị trường rơi vào cảnh khó khăn, bản thân chủ đầu tư không thực hiện được lời cam kết trước đó, nên chúng tôi phải tự cắt lỗ, rao bán trên thị trường", chị Yến nói.
Trường hợp của chị Yến không phải là cá biệt. Trước năm 2018, các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là mô hình condotel từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường bất động sản. Thời điểm đó, các địa phương có thế mạnh về du lịch như Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng nở rộ các mô hình condotel, đi kèm các bản cam kết lợi nhuận từ 10% - 12%/năm.
Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2018, thị trường bất động sản du lịch đã có sự chao đảo. Cho tới năm 2019, sau sự đổ vỡ của dự án Cocobay Đà Nẵng, mô hình condotel gần như "sụp đổ".
Chưa dừng lại tại đó, năm 2020, trước ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, bất động sản du lịch rơi vào trạng thái "đóng băng", hàng vạn sản phẩm condotel nằm tồn kho nhiều năm. Ngay cả khi các dự án condotel cắt lỗ để thu hồi vốn cũng hiếm có người mua.
Hơn 30.000 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang tồn kho
Theo số liệu của Hội môi giới bất động sản (VARS), trong năm 2020, cả nước có 18.000 sản phẩm condotel được đưa ra thị trường, đa phần là hàng tồn kho trong những năm trước. Tuy nhiên, cả năm chỉ có 120 sản phẩm phát sinh giao dịch. Như vậy, vẫn còn tồn kho gần 18.000 sản phẩm condotel.
Tương tự, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse trong năm 2020 đạt 15.000 sản phẩm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 8%. Như vậy, toàn thị trường vẫn tồn kho khoảng 13.500 sản phẩm. Cộng gộp cả 2 sản phẩm trên, trên thị trường đang tồn hơn 30.000 sản phẩm bất động sản du lịch, đủ loại.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 2 năm qua, kể từ khi dự án Cocobay "đứt gánh", các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có thanh khoản rất thấp. Sau sự kiện này, một số dự án condotel khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, các nhà đầu tư dự án không trả được lợi nhuận như đã cam kết...
Ông Võ cho rằng, do thiếu khung pháp luật về đất đai, về quản lý và vận hành các bất động sản du lịch đa công năng, cộng thêm các tác động của đại dịch Covid-19, đã khiến phân khúc bất động sản du lịch mất đi sức hút với nhà đầu tư.
Để "cấp cứu" phân khúc này, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư và thời hạn vẫn là 50-70 năm.
Tuy nhiên, đến nay, khung pháp luật vẫn chưa được hình thành. Đất đai từ cam kết miệng được sử dụng dài hạn như đất ở, nay phải chuyển sang sử dụng theo thời hạn 50-70 năm, khiến cho các nhà đầu tư thứ cấp rời bỏ sản phẩm condotel.
"Do đó, trong năm 2021 khó mong đợi sự khôi phục của phân khúc bất động sản du lịch kiểu mới, vì việc sửa Luật Đất đai 2013 bị chậm lại tới năm 2023, cùng với việc đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nên khách nước ngoài chưa thể tới Việt Nam được", ông Võ cho biết.