Tròn 1 năm sau khi ra mắt bộ phim tài liệu 'Lửa Thiện Nhân', đạo diễn Đặng Hồng Giang tiếp tục gây bất ngờ với chùm phim tài liệu 'Đáng sống', những thước phim không dành cho những người vô cảm.
Bốn mẹ con chị Dung, nhân vật chính trong phim 'Mầm sống'
Âm thầm chuẩn bị suốt 4 năm qua chỉ để có 90 phút phim ngắn ngủi trên màn ảnh, tuy nhiên Đặng Hồng Giang vẫn kiên trì theo đuổi dự định thực hiện chùm 3 phim tài liệu được anh đặt tên là 'Đáng sống'.
Trước khi ra mắt báo giới vào sáng 18/11, anh không chia sẻ bất cứ thông tin gì về dự án phim này. Chính vì vậy nhiều người càng tò mò đến rạp để xem với tâm thế đón nhận một cú nổ lớn về cảm xúc tiếp theo 'Lửa Thiện Nhân'.
Và quả thực đây là chùm phim rất đặc biệt. Có một điều dễ nhận thấy là 'Đáng sống' được đầu tư kỹ càng hơn, đặc biệt chau chuốt về mặt hình ảnh. Tuy nhiên, có một điều không hề thay đổi là cảm xúc chân thật mà chùm phim mang đến cho người xem, những nhân vật thật, những cảm xúc thật, thật thà như chính người đạo diễn.
Đặng Hồng Giang chọn cho mình một lối đi riêng. Anh chọn thể loại tài liệu hiện thực mà theo anh 'không thể ăn xổi' được. Chính vì thế, mỗi khung hình xuất hiện đều mang tới cho người xem một cảm giác tin cậy, chắc chắn, chân thực.
Ngay bộ phim đầu tiên 'Mầm sống', kể về hành trình tình yêu và quyết định sinh con với tinh trùng của người chồng đã qua đời vì tai nạn giao thông của TS Kim Dung, người xem đã bị 'tấn công' về mặt cảm xúc.
Mặc dù câu chuyện của chị Dung không còn mới mẻ, vì nó đã được khai thác nhiều trên truyền thông ở nhiều khía cạnh nhưng đây là lần đầu tiên có một nhà phim tái hiện câu chuyện nhiều xúc cảm đó trên màn ảnh.
Phim mới chiếu được 5 phút nhưng đã có nhiều tiếng khóc nghẹn vang lên. Hành trình chiến đấu với nghịch cảnh chỉ nhân vật chính và sụ kiên cường của chị Dung đã thực sự khiến người xem xúc động. Có mặt tại suất chiếu này còn có 3 mẹ con chị Dung - người phụ nữ 35 tuổi có số phận không may được Đặng Hồng Giang lựa chọn làm nhân vật chính của "Mầm sống".
Chị Kim Dung, nhân vật chính của phim 'Mầm sống' tại buổi công chiếu phim
Chị Dung tâm sự ngoài phòng chiếu rằng lúc đầu khi đạo diễn Hồng Giang gọi điện thuyết phục chị đã từ chối vì con còn nhỏ quá. Nhưng sau đó, chỉ vì câu nói của đạo diễn rằng: 'Cái này không phải riêng chuyện của em, thông qua chuyện của em để gửi thông điệp đến những người có chung hoàn cảnh', thì chị đã quyết định suy nghĩ lại và đồng ý.
30 phút của bộ phim quả thực quá ngắn ngủi bởi nhiều khán giả còn muốn xem thêm nữa, họ muốn biết sự vất vả của chị Dung khi nuôi 3 con khi người chồng đã qua đời ra sao mà bộ phim chưa truyền tải hết được. "Nuôi con vất vả chứ, nhất là lúc các cháu còn nhỏ. Nhưng mình đã xác định rồi thì việc vất vả là chấp nhận", chị Dung chia sẻ với VietNamNet.
Khi được hỏi về những chuyện hiểu lầm khi sinh con sau mãn tang chồng, chị Dung cho biết: "Hiểu lầm là không tránh khỏi nhưng mình xác định làm điều này cho mình và chồng mình nên họ nghĩ thế nào là tùy. Mình không thể theo mọi người được. Cuộc đời mình là do mình quyết định".
Trước câu hỏi: Chị có từng có ý định đi bước nữa?, chị Dung trả lời: "Cũng có đôi lúc cảm thấy cần 1 bờ vai nương tựa mỗi khi yếu đuối nhưng rồi tôi nghĩ sâu xa hơn: Liệu có người nào có chấp nhận 1 bà mẹ với 3 đứa con không? Việc đó hơi khó nên tôi cứ để tùy duyên, đến đâu hay đến đấy".
Bộ phim thứ 2 'Đáng sống' lại xoay quanh cuộc chiến chống ung thư của nhân vật Tăng A Pẩu, người sở hữu bộ sưu tập ảnh chim lớn nhất Việt Nam. Phát hiện một khối u ở gan, bác sĩ nói chắc ông chỉ còn sống vài tháng, Tăng A Pẩu cứ nghĩ cuộc đời mình thế là hết. Tuy nhiên ông quyết định không đầu hàng số phận mà vẫn theo đuổi niềm đam mê vào rừng chụp ảnh của mình. Và chính thái độ lạc quan sống của Tăng A Pẩu đã giúp ông dù phát hiện ung thư đã 11 năm vẫn sống tốt.
Điều đáng nói là cả 'Mầm sống' và 'Đáng sống' dù khai thác những bi kịch của các nhân vật chính, của anh Tăng A Pẩu hay chị Kim Dung, nhưng lại truyền đi một thông điệp lạc quan và chiến thắng nghịch cảnh tới người xem. Đặng Hồng Giang, bằng tài năng và có lẽ là chính sự đồng cảm chân thành của mình với các nhân vật, đã giúp cho hai bộ phim đều trở nên đáng giá.
Bộ phim cuối cùng, 'Một con đường' là anh Nguyễn Ngọc Triệu, một người dân từng sống bằng nghề đào cuốc phế liệu chiến tranh ở Quảng Trị. Cuộc sống mưu sinh khó khăn đã buộc anh cũng như vô số người dân ở Quảng Trị phải bất chấp nguy hiểm rình rập chỉ đổi lấy vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Nhưng anh Triệu vẫn bất chấp tất cả, để tích cóp tiền gửi lên Hà Nội cho đứa con út học Đại học.
Ngày ra mắt phim tại Hà Nội, anh Triệu cũng có mặt, và lần đầu tiên anh biết đi thang máy là gì. Đạo diễn Hồng Giang tâm sự rằng khi vào Quảng Trị quay phim anh đã mua bảo hiểm cho cả 11 người trong đoàn bởi anh ý thức được những hiểm nguy trước mặt khi đi quay với những người dân đang cuốc đất tìm mảnh đạn mảnh bom còn xót lại từ chiến tranh. Sau khi nói chuyện với anh Triệu, Đặng Hồng Giang đã biết đó chính là nhân vật mình tìm kiếm, cho dù anh bị tật nói lắp. "Nếu chưa ai làm thì tôi sẽ làm, đó chính là nhân vật tôi cần", anh nói.
Có một điều thú vị là dù các nhân vật xuất hiện trong phim của Hồng Giang đều có hoàn cảnh đặc biệt nhưng trong phim của anh, người xem luôn tìm thấy tình cảm ấm áp, sự an ủi hiếm thấy. Nó không phải là những thước phim mang tính giải trí đơn thuần mà còn có ý nghĩa tấn công vào sự vô cảm của người xem. Có lẽ chính vì điều đó mà lần đầu tiên 1 chùm phim tài liệu được hệ thống rạp thương mại BHD nhận phát hành.
Chùm phim 'Đáng sống' ra rạp từ 18/11.
Hoàng Vy
">