Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng cho biết, Hiệp hội mong muốn tạo ra cầu nối tin cậy giữa những cơ quan, đơn vị có nhu cầu về bảo đảm ATTT với các tổ chức, doanh nghiệp làm ATTT trong nước. |
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT-TT, vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và có vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia. Năng lực bảo đảm ATTT của đất nước dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và hệ sinh thái ATTT do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.
Vì thế, để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các các sản phẩm, dịch vụ ATTT của Việt Nam, từ năm 2015 VNISA đã đồng hành cùng doanh nghiệp ATTT trong chương trình bình chọn sản phẩm, dịch vụ ATTT xuất sắc, tiêu biểu. Năm 2020, chương trình được đổi tên thành chương trình bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng”.
Từ 1 hạng mục bình chọn năm 2015, năm nay chương trình đã đưa ra 5 hạng mục, với sự tham gia của nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ATTT Việt Nam. “Chương trình đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp ATTT với các sản phẩm, dịch vụ được ứng dụng công nghệ tiến tiến trên thế giới và từng bước chiếm lĩnh các thị trường an toàn, an ninh mạng trọng yếu trong nước”, ông Hưng nhấn mạnh.
Thông tin cụ thể về những bước tiến của chương trình, Phó Chủ tịch VNISA Vũ Quốc Khánh cho biết, số lượng hồ sơ sản phẩm, dịch vụ và giải pháp đăng ký tham gia đã tăng gần gấp đôi so với năm 2019.
Qua 2 tháng nghiên cứu hồ sơ và thẩm định kỹ nội dung trên thực tiễn, VNISA đã quyết định trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” cho 45 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của 17 doanh nghiệp theo 5 hạng mục bình chọn.
Cụ thể, trong 45 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp vừa được trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2020, có 7 “Sản phẩm ATTT chất lượng cao xuất sắc”, 12 “Sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc”, 15 “Dịch vụ ATTT tiêu biểu”, 6 “Giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số” và 5 “Giải pháp hóa đơn điện tử an toàn”.
|
Các sản phẩm nhận danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2020 ở hạng mục sản phẩm ATTT chất lượng cao, xuất sắc. |
|
Các sản phẩm đạt danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2020 ở hạng mục sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc. |
|
Các dịch vụ đạt danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2020 ở hạng mục dịch vụ ATTT tiêu biểu. |
|
6 giải pháp được trao danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2020 hạng mục giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số. |
|
5 giải pháp được trao danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2020 hạng mục hóa đơn điện tử an toàn. |
Đặc biệt, theo ông Khánh, kết quả bình chọn năm nay còn cho thấy sự trưởng thành và da dạng của các sản phẩm và dịch vụ ATTT của các doanh nghiệp trong nước với mức độ nội địa hóa và tự phát triển giải pháp khoa học kỹ thuật rất cao và hoàn toàn làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực.
Sản phẩm, dịch vụ được trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” năm 2020 trải rộng trên nhiều lĩnh vực ATTT, từ giám sát an ninh mạng, phát hiện sớm tấn công đến bảo vệ các thiết bị đầu cuối; từ các giải pháp bảo vệ website đến các phần mềm chống mã độc đa dạng; từ các sản phẩm mật mã dân sự đến các thiết bị phần cứng phục vụ an toàn, bảo mật; từ các dịch vụ tư vấn đến các dịch vụ đánh giá và bảo vệ an toàn thông tin cho hệ thống; từ các giải pháp nền tảng phục vụ cho chuyển đổi số đến các giải pháp hóa đơn điện tử an toàn...
Chương trình “Chìa khóa vàng” 2020 còn cho thấy sự lớn mạnh vượt bậc của nhiều doanh nghiệp, trong đó dẫn đầu là 2 tập đoàn Viettel, VNPT cùng đạt 10 danh hiệu, Công ty BKAV với 7 danh hiệu và Công ty An ninh mạng CMC với 5 danh hiệu.
Kêu gọi doanh nghiệp ATTT chung tay giải các bài toán nhức nhối của xã hội
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Bộ TT&TT đã xác định ATTT mạng là điều kiện then chốt, tiên quyết để phục vụ chuyển đổi số. Trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng, vấn đề làm chủ công nghệ cũng được xác định là yếu tố căn cơ, then chốt. Bộ TT&TT cùng với VNISA luôn đặt ra mục tiêu phát triển kép là chúng ta làm chủ công nghệ, giải pháp, sản phẩm an toàn, an ninh mạng trong nước và từ đó chúng ta vươn ra thị trường toàn cầu.
|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng, vấn đề làm chủ công nghệ cũng được xác định là yếu tố căn cơ, then chốt. |
Ông Dũng cũng cho hay, những năm qua, VNISA đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin một cách có hiệu quả. Hiệp hội cũng đã là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là đối với Bộ TT&TT.
“Những kết quả hoạt động của VNISA trong thời gian vừa qua đã góp phần tích cực thúc đẩy lĩnh vực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam”, ông Dũng nhận định.
Đánh giá cao chương trình bình chọn sản phẩm, dịch vụ ATTT trong nước được VNISA tổ chức 5 năm qua, ông Dũng cho biết, đây là hoạt động có ý nghĩa tích cực. Uy tín của chương trình đã không ngừng được nâng cao sau mỗi lần tổ chức, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng tham gia ủng hộ.
|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 86 Phạm Việt Trung trao danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2020 hạng mục dịch vụ ATTT tiêu biểu cho các doanh nghiệp. |
Năm 2020, theo Ban tổ chức, có 56 sản phẩm đến từ 18 doanh nghiệp tham dự, số lượng sản phẩm, dịch vụ tăng hơn và chất lượng cũng cao hơn các năm trước. Đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng. Thông qua hoạt động của chương trình sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của sản phẩm, dịch vụ nội địa, tạo niềm tin cho người sử dụng, qua đó mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.
Nhận định những gì chúng ta đạt được là đáng khích lệ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ, vẫn còn đó nhiều bài toán về sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng trong nước cần sự chung tay giải quyết của các doanh nghiệp, tổ chức. “Bộ TT&TT kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia tích cực vào hoạt động này”, ông Dũng nói.
Đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT cũng dẫn chứng một số bài toán nhức nhối của xã hội đặt ra cho các doanh nghiệp, tổ chức làm ATTT như: các xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần thiết bị tường lửa (Firewall) giúp bảo vệ mạng nội bộ của xã, doanh nghiệp với mức giá chỉ khoảng 20 – 50 triệu đồng; ngành giáo dục cần có giải pháp hiệu quả với giá rẻ, dễ triển khai để học sinh truy cập Internet an toàn, không vào các trang độc hại, không bị đối tượng xấu gửi thông tin không phù hợp lứa tuổi...
“Bộ TT&TT mong rằng VNISA và các doanh nghiệp ATTT trong nước thời gian tới sẽ không ngừng phát triển được nhiều sản phẩm tốt hơn, mở rộng được thị trường và đặc biệt giải quyết được những bài toán nhức nhối hiện nay của xã hội Việt Nam”, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT chia sẻ.
Vân Anh
Điểm nóng an ninh mạng Việt Nam: Tin giả, lừa đảo, đa cấp biến tướng
Trong năm nay, Bộ Công an đã khởi tố 131 đối tượng có hành vi sử dụng công nghệ cao để vi phạm pháp luật, 469 đối tượng khác cũng bị xử lý về vi phạm hành chính.
" alt="Các doanh nghiệp ATTT Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ" width="90" height="59"/>