"Cô Thúy Vy đã đi Úc từ 3 năm trước rồi. Tiệm này để lại cho em gái nhưng làm một thời gian cũng vừa đi luôn rồi. Giờ đóng cửa để vậy thôi", một người hàng xóm nói với phóng viên Zing.vn về cái kết của một tiệm đĩa được cho là nổi tiếng nhất ở Việt Nam vào thời kỳ đầu của Internet.'Sống' bình minh, 'chết' lúc hoàng hôn
Trong ký ức của những người thuộc thế hệ 8X và 9X đời đầu, Thúy Vy là cái tên rất quen thuộc vì luôn được in trên bìa đĩa game, phần mềm... bán ở rất nhiều cửa hàng từ Nam chí Bắc. Ngay cả trong bộ cài (setup) cũng có hình ảnh nhân vật Yuna của Final Fantasy kèm dòng chữ "Vi tính Thúy Vy" như một cách khẳng định thương hiệu, khiến những cửa hàng khác sao chép lại cũng không thể xóa đi.
Hình ảnh này phổ biến đến nỗi khiến không ít người hiểu nhầm Thúy Vy là nhà phát hành game tại Việt Nam, chứ không phải một cửa hàng kinh doanh băng đĩa.
"Thúy Vy là một trong số ít cửa hàng bán phần mềm quy mô lớn, kinh doanh bài bản, cung cấp các phần mềm đa dạng và nhanh chóng. Nó đáp ứng nhu cầu người dùng máy tính lúc đó không có điều kiện để tự tải phần mềm từ Internet về", nhà báo - hiệp sĩ CNTT Phạm Hồng Phước nói với Zing.vn.
Thực tế, Thúy Vy Computer đã ngừng kinh doanh đĩa game, phần mềm crack từ năm 2005, chuyển hướng sang mảng kinh doanh phụ kiện máy tính, điện thoại.
Đây cũng là tình trạng chung của những cửa hàng băng đĩa ở đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) hay Lê Thanh Nghị (Hà Nội). Khi đĩa CD/DVD dần bị mai một, game online lên ngôi và người dân có thể tải phần mềm từ Internet, các hộ kinh doanh kiểu này không còn đất sống. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 và ký kết các hiệp ước liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các tiệm đĩa lậu cũng không còn hợp pháp.
"Mình nhớ rõ cảm giác mỗi chiều đi học về là đạp xe đến tiệm bán đĩa game, lựa từng trò chơi trong quyển album dày cộp. Mỗi đĩa CD tầm 7.000 đồng, sau này lên 10.000 đồng, rồi 20.000 đồng cho một đĩa DVD", Nguyễn Thanh Tâm, một lập trình viên ở TP.HCM nhớ về quãng thời gian năm 2000-2003, thời cực thịnh của những tiệm bán đĩa game "offline", khi mạng ADSL trọn gói chưa xuất hiện.
Thiếu tiếng cảm ơn, nợ lời xin lỗi
"Thật khó để xét công - tội của Thúy Vy và những cửa hàng kinh doanh đĩa game, phần mềm trên cả nước nếu không đặt chúng vào bối cảnh của ngày đó, cái thuở Internet mới cập bến Việt Nam với giá cước đắt đỏ, tính theo giờ truy cập", ông Phạm Hồng Phước nhận định.
Xét về lý, những đĩa game hay tuyển tập phần mềm thời ấy đều vi phạm bản quyền do đã bị "bẻ khóa" (cracked), chèn danh sách các số serial và có kèm hướng dẫn cách crack. Thậm chí chúng còn chứa nhiều mã độc gây hại đến máy tính.
Vì giá cước Internet trước 2003 khá đắt đỏ, những cửa hàng thời đó thường tận dụng "mối quen" là những kỹ sư, lập trình viên làm việc tại các công ty nước ngoài có văn phòng ở Việt Nam. "Những doanh nghiệp này trang bị đường truyền Internet tốc độ cao, nên nhân viên sẽ tranh thủ những giờ trực đêm để tải phần mềm, game theo đơn đặt hàng của những tiệm đĩa", ông Phạm Hồng Phước nhớ lại.
Tại Việt Nam, một số nhóm sinh viên và những người làm trong ngành CNTT cũng tham gia crack phần mềm nhưng với mục đích chia sẻ miễn phí cho những người mới tiếp xúc với máy tính, số khác bán lại cho các cửa hàng đĩa. Bản thân Thúy Vy Computer cũng tự tổng hợp các đĩa phần mềm trôi nổi và dán nhãn tuyển tập của các nhóm hacker đó.
Tuy nhiên, xét về tình, nếu không có những cửa hàng bán đĩa game, phần mềm lậu, người dùng Việt Nam khó có cơ hội tiếp cận với những tiện ích như Microsoft Office, Adobe Photoshop... hay những game làm nên tuổi thơ của nhiều người như Red Alert, Battle Realms, Neowin, Starcraft, Prince of Quin, Seal Of Evil...
"Nó phổ biến đến nỗi nhiều cậu nhóc cài được game, crack được phần mềm theo hướng dẫn trong đĩa đã vội tự nghĩ mình là hacker", Nguyễn Thanh Hưng, kỹ sư phần mềm ở quận 1, TP.HCM hài hước nhớ lại. Theo Hưng, những chiếc đĩa lậu thời đó rất có ý nghĩa với học sinh, sinh viên bởi nó rẻ. Nếu mua bản quyền nghiêm chỉnh, người ta có thể phải tốn nhiều tháng lương.
"Cũng phải nhìn nhận rằng, trong bối cảnh ban đầu đó, chính việc có thể tiếp cận với vô số phần mềm ứng dụng mà kỹ năng tin học của người Việt, đặc biệt là giới trẻ tăng lên rất nhanh. Trong khi ở các nước phát triển, chỉ khi thật cần thiết, người ta mới phải bỏ tiền mua phần mềm về dùng", ông Phước nhận định.
Hiệp sĩ CNTT này cũng cho rằng sau năm Việt Nam tham gia WTO, ông cũng đã dừng việc chia sẻ phần mềm, chỉ tập trung vào nghề báo và coi như hoàn thành "sứ mệnh phổ cập kiến thức" thời kỳ đầu của Internet tại Việt Nam.
VN đứng 6 thế giới về vi phạm bản quyền Internet
Theo số liệu từ hãng thống kê Revulytics, tính đến tháng 3/2017, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm. Đầu bảng là Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ, Iran, Nga và Ấn Độ.
Dù các tiệm đĩa game, phần mềm như Thúy Vy Computer đã "chết", nhưng thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ vi phạm bản quyền phần mềm chỉ đứng sau những cường quốc. Những diễn đàn công nghệ, các trang torrent từ nước ngoài và đặc tính không biên giới của Internet đã khiến việc tải về một phần mềm "Full crack" chỉ tốn vài cú click chuột, vài ba phút đợi chờ.
"Nhiều người vẫn nghĩ mình nghèo nên có quyền xài đồ lậu. Họ chưa nhận thức được giá trị của lao động sáng tạo với trí óc, chưa thấy được hậu quả nhãn tiền. Có công ty vi phạm bị phạt chỉ vài chục triệu cũng không tác dụng", ông Bùi Hải An, đồng sáng lập của Silicon Straits, chia sẻ.
Theo ông Hải An, từng có trường hợp sinh viên Việt Nam sang nước ngoài lén tải phần mềm lậu bị truy địa chỉ IP, gửi giấy phạt hàng nghìn USD tới tận nơi ở.
Những tiệm đĩa lậu đã hoàn thành "sứ mệnh" của nó trong thuở bình minh của Internet tại Việt Nam. Thay vì đổ lỗi cho Thúy Vy Computer hay các cửa hàng phát tán chúng, hãy nhìn vào con số từ Revulytics và tập thói quen trả tiền cho những ứng dụng trên máy tính, điện thoại.
Theo Zing
">