Tài khoản thật của Jes Rychly (bên trái) và tài khoản giả mạo. Sự khác biệt là chữ "I" trong tên tài khoản, lượt và tỉ lệ theo dõi, cùng các nội dung chúng chia sẻ. Ảnh: NY Times. |
Trong số đó, có khoảng 55.000 tài khoản sử dụng tên, ảnh, địa chỉ và các thông tin như người thật. “Tôi không muốn những hình ảnh hay tên của mình bị liên quan đến các tài khoản như vậy. Không thể tin là có những người sẵn sàng bỏ tiền ra mua tài khoản giả. Thật tệ hại”, Rychly chia sẻ.
Twitter và nhiều mạng xã hội khác nghiêm cấm hành vi mua bán lượt theo dõi. Tuy nhiên, Devumi và hàng loạt công ty khác vẫn hoạt động công khai. Theo một số thống kê, có khoảng 48 triệu tài khoản ảo, chiếm 15% số người dùng trên Twitter được tạo ra với hồ sơ giống người thật.
Devumi có khoảng 200.000 khách hàng. Những người mua lượt theo dõi ảo có cả ngôi sao truyền hình, vận động viên chuyên nghiệp, những người xuất hiện tại các buổi nói chuyện TED. Thậm chí nữ doanh nhân Martha Lane Fox - người có chân trong hội đồng quản trị của Twitter - cũng mua lượt theo dõi. Đôi khi họ tự mua, đôi khi được công ty cung cấp dịch vụ mua lượt người theo dõi với giá rẻ mạt cho mỗi lượt.
Ngoài Twitter, Devumi còn bán số lượt xem trên YouTube, lượt chơi nhạc trên SoundCloud, lượt tương tác trên LinkedIn…
“Mạng xã hội là một thế giới ảo với chỉ một nửa là người thật, nửa còn lại là máy. Bạn không thể đánh giá một tweet dựa trên những chỉ số hiển thị. Nhiều thứ không như những gì bạn nhìn thấy”, Rami Essaid, Giám đốc Công ty bảo mật Distil Networks, nhận định.
Nền kinh tế của những người nổi tiếng
Năm 2017, có khoảng 3 tỷ người dùng các mạng xã hội như Facebook, WhatsApp hay Sina Weibo. Chỉ số người theo dõi hoặc kết bạn do đó trở thành một trong những chỉ số ảo quan trọng nhất để tạo thành tiền thật. Những người có lượt theo dõi lớn trên mạng xã hội có thể được trả tiền để quảng cáo, dễ kiếm việc hơn.
Với những người muốn tạo ảnh hưởng trên mạng, hay còn gọi là influencer, thì lượt theo dõi là con số quan trọng nhất. Có càng nhiều người để tiếp cận, họ càng kiếm được nhiều tiền.
Đây là lý do nhiều công ty cung cấp dịch vụ tăng lượt theo dõi. Trên những trang web như Social Envy, bạn có thể trả tiền để mua lượt theo dõi trên hầu hết mạng xã hội. Các trang cung cấp dịch vụ đều mô tả những người theo dõi là “xịn” hoặc “giống thật”, mặc dù không bao giờ nói đây là tài khoản người thật hay máy.
“Khi có lượng theo dõi và tương tác lớn, bạn sẽ dễ trở thành người quan trọng hơn, thông điệp truyền tải cũng dễ chấp nhận hơn”, ông Rand Fishkin - nhà sáng lập Công ty tối ưu tìm kiếm Moz - giải thích.
|
Những lượt theo dõi được tạo nên bởi hàng triệu con bot tự động, đem đến danh tiếng ảo cho những người muốn tìm kiếm sự nổi tiếng. Ảnh: NY Times. |
Thuật toán của Twitter và Facebook cũng bị ảnh hưởng từ lượng người theo dõi. “Những mạng xã hội sẽ cố gắng gợi ý những nội dung nổi tiếng. Lượng người theo dõi là một trong những yếu tố được cân nhắc”, Julan Tempelsman - nhà sáng lập Công ty Smyte chuyên đối phó với lượt theo dõi ảo - nhận định.
Tháng 4/2017, phóng viên của New York Times thử mua lượt theo dõi Twitter từ Devumi với gói 225 USD cho 25.000 người. Khoảng 10.000 người theo dõi đầu tiên sở hữu hồ sơ nhìn rất “thật”. Tuy nhiên, nhiều chi tiết nhỏ cho thấy đây là tài khoản ảo, như thừa chữ, chèn dấu hay viết hoa, viết thường không hợp lý.
Lượng 15.000 tài khoản sau đó thì hầu như không có thông tin gì: không ảnh, tên hồ sơ đặt lung tung, không giống như tên thật. Những người mua cũng biết hầu hết không phải là các tài khoản thật.
“Đây là một trò lừa. Mọi người được đánh giá qua lượng thích hoặc theo dõi của họ, thật là tệ”, James Cracknell - một vận động viên người Anh, khách hàng của Devumi - thừa nhận.
Dấu hiệu nhận biết những lượt theo dõi ảo là thỉnh thoảng chúng sẽ biến mất, với số lượng lên đến hàng trăm nghìn. Những lượt theo dõi mất đi đều đến từ loạt tài khoản bắt đầu thích trong cùng khoảng thời gian. Để tiếp tục tăng trưởng, người mua phải mua thêm lượt theo dõi.
|
Biểu đồ cho thấy những phần trống, là khi số tài khoản theo dõi biến mất hàng loạt. Đây đều là những tài khoản ảo, bị xóa đi sau các đợt "càn quét" của mạng xã hội. Ảnh: NY Times. |
Nhiều người nổi tiếng, sau khi được hỏi về những lượt like bất thường, cho biết đó là do đối tác, trợ lý mua cho họ. Kathy Ireland - nữ doanh nhân và cựu siêu mẫu người Mỹ - cho biết nhân viên công ty phát triển thương hiệu của cô đã mua lượt theo dõi mà không hỏi ý kiến. Nữ doanh nhân Martha Lane Fox cũng đổ lỗi cho nhân viên của mình.
Không chỉ người nổi tiếng, đôi khi những chuyên gia tư vấn marketing, thương hiệu cũng phải mua lượng theo dõi. Năm 2015, Jeetendr Sehdev - người tự gọi mình là “chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới” - đã mua hàng trăm nghìn lượt theo dõi Twitter từ Devumi.
Những danh tính bị đánh cắp
Hàng nghìn tài khoản giả mạo người thật đã được Devumi bán cho khách hàng. Những tài khoản giả như của Rychly thường sao chép nguyên hình ảnh, tên tuổi của những người thường xuyên hoạt động trên mạng, chỉ sửa đổi một số chi tiết.
“Tôi không hiểu sao họ lại lấy danh tính của tôi, một sinh viên 20 tuổi. Tôi đâu phải người nổi tiếng”, Sam Dodd - người bị lấy cắp danh tính - bức xúc. Thực tế là một tài khoản nhìn có vẻ thật, sao chép những thông tin từ người dùng ngoài đời như Sam Dodd có thể được bán cho khoảng 2.000 khách hàng, đem về cho Devumi khoảng 30 USD.
Các tài khoản “thật” này là thứ làm nên tên tuổi cho Devumi. Chúng thường được thêm vào đầu tiên trong các đơn hàng lượt theo dõi, để tạo tin tưởng cho người mua, trước những đợt còn lại là các tài khoản nhìn qua đã thấy “ảo”.
Khi sao chép danh tính của những tài khoản thật trên Twitter, loạt tài khoản ảo này có thể tạo nên nhiều rắc rối, nhất là với những người đã bỏ hoạt động trên mạng xã hội từ lâu. Salle Ingle - kỹ sư 40 tuổi đến từ Colorado - cho biết cô rất sợ nhà tuyển dụng sẽ hiểu nhầm khi nhìn thấy tài khoản ảo danh mình trên mạng.
|
Trụ sở của Devumi, công ty chuyên bán lượt theo dõi ảo, nằm phía trên một nhà hàng tại bang Florida, Mỹ. Ảnh: NY Times. |
“Tôi đang tìm việc, và tôi rất mong là không ai nhìn thấy tài khoản ảo đó và nghĩ nó là tôi”, cô nói.
Không chỉ bán tài khoản ảo, đến địa chỉ đăng ký của Devumi cũng là địa chỉ ảo. Công ty này thực tế hoạt động trong một văn phòng nhỏ ở Florida. Nhà sáng lập của Devumi, German Calas mới 29 tuổi, nhưng đã học lập trình web và xây dựng trang web từ khi còn đi học.
“Tôi mở công ty này với số vốn chỉ vài nghìn USD, không có nhà dầu tư, và khát vọng thành công cháy bỏng”, German Calas viết trên trang giới thiệu việc làm Glassdoor.
Giống như công ty của mình, hồ sơ của Calas cũng rất ảo. Hồ sơ cho biết anh đã tốt nghiệp Đại học Princeton ngành vật lý năm 2000, tức là khi mới 10 tuổi. Ngoài ra, hồ sơ còn có đoạn tốt nghiệp tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại MIT. Cả 2 đại học đều phủ nhận có một người như vậy từng học.
Năm 2017, Calas bị một đối tác tấn công bằng chính những chiêu thức của mình. Ronwaldo Boado, đối tác ở Philippine, đã lấy cắp danh sách khách hàng của Devumi, sử dụng cái tên tương tự là DevumiBoost và sao chép cả thiết kế trang web. Boado muốn giật khách của đối tác cũ.
Đơn kiện Boado của Devumi cũng tiết lộ một thông tin đáng chú ý: họ không tự tạo ra những con bot sao chép danh tính, mà mua sỉ từ nhà cung cấp khác từ nhiều nguồn.
Trên các trang chuyên mua bán, trao đổi, 1.000 tài khoản ảo có danh tính thật được bán với giá khoảng 1 USD. Devumi sẽ mua lại chúng và bán với giá 17 USD. Trong vài năm, Devumi đã bán được 200 triệu lượt theo dõi trên Twitter, kiếm về 6 triệu USD.
Những người bị giả mạo danh tính, trong khi đó, phải tìm cách báo cáo và xóa những tài khoản giả mạo. Đôi khi quá trình này mất nhiều năm mới xong. Đó cũng là lúc người dùng thật cảm thấy quá đủ.
“Giờ có lẽ tôi sẽ xóa luôn tài khoản Twitter của mình”, cô gái tuổi teen Jessica Rychly, người bị giả mạo tài khoản, cho biết.
">