Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học
Theo Phó thủ tướng, trước mọi sự đổi mới rất cần sự đồng thuận của toàn xã hội nhưng cũng hiếm có chính sách mới nào vừa ra đời đã nhận được sự đồng thuận 100%. Đối với giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải đảm bảo 3 nguyên lý.
Thứ nhất, đã là giáo dục phổ thông thì phải đảm bảo đủ trường lớp, thầy cô để học sinh học ngày 2 buổi và được học gần nhà; đặc biệt, không có sự phân biệt đầu vào. Hiện nay thi vào đầu cấp vẫn còn rất căng thẳng tức là chúng ta chưa tuân thủ nguyên tắc.
Thứ hai, Nhà nước lo chung trong đó trường công lập tập trung lo ở mức trung bình trở xuống, lo cho người yếu thế, đảm bảo đào tạo nhân tài cho cả nước. Đặc biệt với người yếu thế (khuyết tật hay tự kỷ), nguyên tắc là phải lo cho các cháu học hành.
Thứ ba, trường học phổ thông không chỉ đơn thuần là thiết chế của chính quyền mà là thiết chế của cả một cộng đồng. Quản lý mô hình giáo dục phổ thông không chỉ có cấp quận/ huyện, phòng GD-ĐT, ban giám hiệu mà còn có cả sự hiện diện của phụ huynh học sinh.
Đối với giáo dục đại học, Phó Thủ tướng cho rằng cũng phải chú ý đến 2 nguyên lý căn bản:
Một là phải tự chủ, trong đó bắt nguồn từ tự chủ chuyên môn; từ đó là tự chủ về nhân sự, tài chính. Tự chủ đại học không có nghĩa nhà nước cấp ngân sách, mà chuyển ngân sách từ cào bằng sang đầu tư những nơi có hiệu quả và có sự đặt hàng.
Thứ hai, đã là đại học thì phải nghiên cứu khoa học. Đại học không chỉ là nơi truyền tri thức mà phải là nơi sáng tạo ra tri thức. Muốn làm điều này không thể lấy học phí ra để lo cho nghiên cứu khoa học được.
3 vấn đề cần quan tâm ngay trong năm học này
Phó Thủ tướng đề nghị ngay trong năm học này, ngành Giáo dục cần quan tâm đến 3 vấn đề.
Trong đó, ông nêu phải chú ý tới việc tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, nhân cách cho học sinh. Theo Phó thủ tướng, chúng ta vẫn nói "Tất cả vì học sinh thân yêu". Thực tế, một số trường thực hiện điều này rất tốt khi khai giảng, giáo viên, phụ huynh đón học sinh; các em lớn đón học sinh bé trong lần đầu đến trường.
Trước đây đại biểu ngồi trước, học sinh ngồi sau; còn giờ đại biểu ngồi xung quanh. Nhưng theo ông điều này mới chỉ thực hiện được ở một số trường.
Bên cạnh đó, mọi hành động của người lớn chưa thật sự vì học sinh khi nhiều phụ huynh ganh đua; từ phụ huynh đến giáo viên gây sức ép thành tích cho con cái mình.
"Đó là vì người lớn chứ không phải vì học sinh", Phó Thủ tướng khẳng định.
Cũng theo ông chúng ta vẫn nói "Dạy tốt học tốt". Tuy nhiên nhiều giáo viên phổ thông hiện nay sau khi thuộc xong hết SGK gần như không tự học tiếp để sáng tạo.
"Giáo viên động viên học sinh học nhưng chính mình lại không học. Tôi có đi một số trường phổ thông, giáo viên rất phấn khởi khoe các cháu giờ học tiếng Anh tốt. Nhưng khi hỏi hiệu trưởng, hiệu phó có biết câu tiếng Anh nào không thì lại trả lời không biết.
Thầy cô khen học sinh bây giờ dùng máy tính rất giỏi nhưng giáo viên lại không nắm vững. Tại sao hô học sinh học tốt mà giáo viên lại không chịu phấn đấu?", Phó thủ tướng nêu thực trạng.
Vấn đề thứ hai, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát giảm áp lực hành chính cho giáo viên, không chạy theo bệnh thành tích.
Ông kể chuyện từng đi “lội xóm” ở các trường thì thấy giáo viên kêu than nhiều chuyện thi đua thành tích. Ông cho rằng vệc thi đua hiện nay không nhằm vào nội dung thiết thực là nỗ lực của thầy cô mà chỉ đi nhiều vào cơ sở vật chất và những cái bề ngoài.
Một vấn đề quan trọng khác là nhiều giáo viên thường coi dạy đạo đức là câu chuyện của giáo viên chủ nhiệm. Nhưng theo ông, đây phải là trách nhiệm của mọi giáo viên. Cho nên, giờ học nào cũng có thể nói chuyện đạo đức.
"Bây giờ chúng ta phải dạy đạo đức là không cần học những thứ cao siêu. Phải gần gũi, thân thiết. Người tốt việc tốt ở ngay trong địa bàn, trường lớp mình với những câu chuyện thật đơn giản.
Tới đây chúng tôi sẽ phát động thầy cô tham gia bài giảng mẫu về đạo đức hay kêu gọi học sinh kể câu chuyện, làm những clip ngắn về gương người tốt việc tốt. Đó là cách dạy đạo đức tốt nhất.
Phải tăng cường sự phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội tham gia vào câu chuyện giáo dục đạo đức lối sống, tránh tình trạng phụ huynh khoán gọn cho nhà trường".
Các đại biểu tham gia hội nghị
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng cho rằng cần giải quyết ngay một số vấn đề liên quan đến hệ thống trường sư phạm và giáo viên; trong đó có vấn đề tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Đối với vấn đề đào tạo giáo viên, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ cần phải nắm bắt được nhu cầu giáo viên của các địa phương. Tới đây, địa phương có trách nhiệm đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên và như vậy, chỉ các trường tốt mới có thể được đặt hàng.
Một vấn đề khác, theo Phó thủ tướng, sinh viên sư phạm hiện nay vẫn là do nhà nước bao cấp.
"Chúng ta bao cấp quá nhiều nhưng các suất học bổng lại thấp. Số lượng nhiều nhưng chất lượng không cao, sinh viên ra trường không xin được việc dẫn đến ngành Sư phạm không còn hấp dẫn".
Về tự chủ đại học, hiện nay mới chỉ làm bước đầu là giải quyết được câu chuyện giữa trường đại học với Bộ chủ quản. Nhưng theo Phó thủ tướng, tự chủ hiện tại cần phải tính đến chuyện nhà trường giao quyền quyết định tới từng khoa, từng giáo sư, giảng viên.
"Chừng nào giáo sư có quyền quyết định từ chuyên môn cho tới nguồn lực của bộ môn mình được giao nhiệm vụ thì đó mới gọi là tự chủ", Phó thủ tướng khẳng định.
Thúy Nga - Thanh Hùng
"Yêu cầu trình Chính phủ đóng cửa cơ sở kém chất lượng kéo dài"
-Cho rằng “xã hội hóa là cần thiết nhưng kiếm tiền trên giáo dục là không ổn”, Thủ tướng yêu cầu Bộ trình phải trình Chính phủ đóng cửa một số cơ sở đào tạo kém chất lượng kéo dài.
">