|
Tác giả Robert Fulghum. |
Những câu chuyện nửa thực nửa hư trong "Trường mẫu giáo uyên thâm" được viết từ những năm 1960 đến 1984, dưới dạng newsletter (thư mới) của một nhà thờ nhỏ ở Seattle, nơi Robert Fulghum làm mục sư. Ông viết nó bằng trí tưởng tượng vượt xa không gian vùng ngoại ô Seattle, nơi ông đang sống, có lẽ nhờ được gom góp từ một cuộc đời sôi động đầy màu sắc, như những gì người ta giới thiệu về ông: "Đủ phiêu lưu để trở thành một chàng cao bồi, đủ lãng mạn để làm một ca sĩ nhạc đồng quê, đủ năng động để trở thành nhân viên kinh doanh, hoạ sĩ chuyên nghiệp, chuyên viên pha chế rượu, giáo viên hội hoạ, mục sư, và hơn tất cả là một người cha mẫu mực".
Ghi chép những điều đời thường và thổi vào chúng một cái nhìn hài hước, đầy liên tưởng, tràn ngập tình yêu với cuộc đời, bằng một cách nào đó, những câu chuyện mà Fulghum viết đã vượt ra khỏi ranh giới của ngôi nhà thờ nhỏ bé và lan truyền tới nhiều vùng khác của nước Mỹ.
Năm 1987, một giáo viên mẫu giáo ở Connecticut đã xếp những bản copy của tập truyện vào ba lô những đứa trẻ mang về nhà. Người mẹ của một trong số chúng - vốn làm việc trong ngành xuất bản - đã đọc được nó. Những người làm sách đã tìm được đến vị mục sư bí ẩn, người đã nói rằng: "Tôi đã viết những thứ này trong 20 năm trời, bà cần bao nhiêu thùng như thế này nữa?"
"Trường mẫu giáo uyên thâm" của Robert Fulghum được xuất bản và ngay lập tức lọt vào danh sách best-seller của New York Times trong 3 tuần sau đó, và giữ vững vị trí từ đó đến nay. Bản thân Robert Fulghum trở thành nhà văn, diễn giả được mến mộ và sau "Trường mẫu giáo uyên thâm", khoảng 10 cuốn sách của ông đã và đang được tiếp tục xuất bản.
Chính Fulghum - vốn là một người đọc đa dạng - cho rằng "Trường mẫu giáo uyên thâm" không phải là một tác phẩm văn học xuất sắc. Bởi đó chỉ là những suy nghĩ độc thoại vui vẻ của ông về nhiều đối tượng từ linh tinh đến phức tạp trong cuộc sống này: Từ trò chơi trốn tìm, cái mạng nhện đến bản nhạc của Beethoven. Nhưng rốt cuộc, có điều đặc biệt đã khiến người đọc yêu mến nó, đến nỗi nhiều bài review trên Amazon thành thật nói rằng họ mua cuốn sách không dưới 5 lần vì những cuốn mua trước đó họ dành tặng cho bạn bè họ hết cả.
Giải thích về sự phổ biến của văn chương Fulghum với công chúng, Rabbi Harold S. Kushner - tác giả nổi tiếng (người viết cuốn When bad things happen to good people) - nói: ''Trong một thế giới của những quyết định đạo đức phức tạp, Fulghum dùng những chi tiết nhỏ nhặt để nói rằng "trong trái tim con người có một vài quy tắc đơn giản thôi. Bạn có thể là một người tốt, không cần gì phức tạp nhiều đâu".
Còn tờ New York Times thì đánh giá: "Tác giả Fulghum, một mục sư ở Seattle, chuyên chọn những câu chuyện đời thường từ cuộc sống hàng ngày và sử dụng chúng để nói với chúng ta rằng người đời thì tốt, cuộc sống thì ngọt ngào và tình yêu thì kéo dài mãi". Những câu chuyện "có vẻ như được viết nên để khiến người đọc cảm thấy ấm áp và say sưa từ tận đáy lòng", cũng theo tờ này.
"Trường mẫu giáo uyên thâm" dành cho ai? Nó dành cho những ai thích thú với những câu chuyện thú vị, không ngại ngần với những liên tưởng xa xôi mà tác giả giăng trong tác phẩm từ truyện này qua truyện khác. Nó dành cho những ai thích đặt câu hỏi về cuộc sống và tìm câu trả lời. Và vì nó khiến người đọc nhìn ra vẻ đẹp và sự đáng yêu của cuộc đời, có lẽ nó dành cho tất cả chúng ta.
"Trường mẫu giáo uyên thâm đầy ắp những mảnh ghép thú vị từ cuộc sống, những câu chuyện hài hước ý nhị, những triết lý sống sâu sắc mà bất kỳ ai cũng cần suy ngẫm. Và càng suy ngẫm, ta càng thấy cuộc đời này có giá trị và đáng yêu hơn gấp bội"...
“Nhắm mắt nhìn sao” là tự truyện về cuộc đời truyền cảm hứng, những phút giây ý nghĩa của nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương. Cuốn sách được chắp bút bởi nhà báo Thanh Nhã.
" alt=""/>