Vợ chồng nghèo cùng nhau chạy thận
Chiều muộn,ợchồngmắccùngbệnhhiểmnghèocanhcánhnỗilođôimắtcủlich thi dau v league nơi dãy nhà trọ trong xóm chạy thận, khi những ánh đèn đã lên, vợ chồng chị Lê Thị Kim Anh (47 tuổi, trú xóm 3, xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) chuẩn bị cơm tối để vào viện, kịp giờ chạy thận. Bữa cơm đạm bạc, chỉ có đĩa cá khô rim với lạc, rau luộc do 1 người dân ở gần bệnh viện mua cho.
Mấy hôm nay, bệnh viêm phổi của anh Phạm Đình Minh (49 tuổi, chồng chị Kim Anh) trở nặng, huyết áp cao thường xuyên khiến anh kiệt sức, không thiết ăn uống gì.
Ăn xong bữa tối, 2 vợ chồng rời phòng trọ, cùng đi bộ vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (cơ sở 2 ở phường Quán Bàu, thành phố Vinh) để chạy thận. Hai người nằm 2 giường bệnh sát nhau, nhắm mắt như để cầu mong những cơn đau chóng qua đi.
22h30, lọc máu nhân tạo xong, chị Kim Anh tiến đến giường bên cạnh đỡ chồng ngồi dậy, dìu ra chiếc ghế ngoài hành lang. Ngồi nghỉ ngơi một lát cho đỡ chóng mặt rồi vợ chồng dìu nhau về phòng trọ. Nhìn bóng dáng cặp vợ chồng lam lũ khuất dần trong đêm tối, nhiều người có mặt ở bệnh viện xót xa.
"Vợ chồng tôi đều bị suy thận giai đoạn cuối gần một năm nay. Nhà nghèo, không có tiền thay thận nên phải chạy thận nhân tạo để níu sự sống qua ngày. Vợ chồng tôi có 2 con trai nhưng cũng chẳng được khỏe mạnh gì. Đứa đầu bị bệnh về mắt, thằng cu thứ hai vừa học xong lớp 12 đã phải đi phụ hồ kiếm tiền lo cho mẹ cha.
Trong nhà một người mắc bệnh đã vất vả, đằng này có 3 người bị bệnh… giờ biết xoay xở, bấu víu vào đâu nữa", chị Kim Anh nói.
Chị Kim Anh cho biết, 4 năm trước, anh Minh làm phụ hồ thì bị đau đầu dữ dội, mắt mờ dần. Anh được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán bị tắc nghẽn mạch máu não.
Sau 20 ngày nằm bệnh viện địa phương, anh Minh được chuyển tuyến, ra Hà Nội tiếp tục chữa trị. Tại đây, bác sĩ cho biết, ngoài căn bệnh trên, anh Minh còn bị suy thận giai đoạn 3. Sau một thời gian dài chạy chữa, sức khỏe dần ổn định, anh được xuất viện về nhà điều trị, uống thuốc theo định kỳ.
Năm trước, căn bệnh suy thận chuyển sang giai đoạn cuối, anh Minh phải vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (cơ sở 2) để lọc máu nhân tạo.
"Đưa chồng đi chạy thận được một tuần, tôi thấy trong người mệt mỏi, đau lưng, đi tiểu nhiều, đi khám bác sĩ bảo tôi bị suy thận giai đoạn cuối. Nghe bác sĩ nói, tôi sốc, không còn thiết sống nữa. Nhưng nghĩ 2 con còn nhỏ, chồng cũng mắc bệnh nên tôi phải…", chị Kim Anh nói chưa hết lời, giọng đã nghẹn lại, nước mắt đầm đìa.
Mỗi tuần, vợ chồng chị Kim Anh phải chạy thận 3 lần. Bệnh viện cách nhà hơn 50km, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, nên 2 vợ chồng thuê một phòng trọ trong xóm chạy thận với giá 1 triệu đồng/tháng để tiện cho việc điều trị.
Hai con trai đi bưng bê, phụ hồ kiếm tiền giúp bố mẹ chữa bệnh
Ông Đặng Văn Đình, trưởng xóm 3, xã Minh Châu cho biết, trước đây, khi còn khỏe mạnh, vợ chồng chị Kim Anh được tiếng siêng năng, chịu khó, sống hòa đồng và tích cực tham gia các công tác xã hội. Kinh tế phụ thuộc vào mấy sào ruộng cùng nghề phụ hồ của anh Minh. Thế nhưng, bệnh tật bủa vây, dồn gia đình vào khó khăn, khánh kiệt, thành hộ nghèo của xã.
"Gia đình anh Minh có 4 người thì cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối; con trai lớn bị bệnh khô mắt, thị lực kém nhiều năm nay. Cả nhà họ giờ khánh kiệt rồi, chẳng biết bấu víu vào đâu nữa…", ông Đình chia sẻ.
Chị Kim Anh cho biết thêm, con trai đầu Phạm Quốc Tuấn (26 tuổi) bị bệnh khô mắt hơn 4 năm nay, thị lực yếu nên không thể làm được việc nặng, hàng tháng vào viện khám, lấy thuốc điều trị.
Mặc dù mang bệnh, nhưng gia cảnh quá bi đát, nên Tuấn vào TPHCM xin bưng bê tại một quán cà phê. Ngoài nuôi ăn ở, mỗi tháng, chủ quán trả cho Tuấn 3 triệu đồng.
Cậu con trai thứ 2 là Phạm Thái Bình (20 tuổi), sau khi tốt nghiệp THPT đã theo những người trong xóm ra Hà Nội làm phụ hồ. Công việc phụ thuộc vào thời tiết, nắng làm, mưa nghỉ nên thu nhập không đáng là bao. Mỗi tháng, cố gắng lắm, Bình gửi về cho bố mẹ 4-5 triệu đồng để lo chữa trị. Những đồng tiền con trai gom góp gửi về, họ dồn hết để mua thuốc.
Căn bệnh quái ác khiến huyết áp của 2 vợ chồng tăng cao, cứ cách 3 tiếng đồng hồ lại phải uống thuốc. Ngoài ra họ mua thêm nhiều loại thuốc ngoài bảo hiểm như trợ tim, huyết áp, thải độc gan, mỗi tháng hết 3-5 triệu đồng.
Bệnh tật hành hạ, thân xác héo mòn nhưng ngày đêm cặp vợ chồng bất hạnh luôn lo lắng cho đôi mắt của con trai ngày càng nặng, không tiền cứu chữa.
"Nhiều năm qua, để có tiền níu kéo sự sống, vợ chồng tôi đã vay 120 triệu đồng tiền ngân hàng, hơn 140 triệu đồng của anh em nội ngoại, bạn bè. Mắt của con trai lớn ngày càng nặng, mong mọi người thương hoàn cảnh, cứu đôi mắt cho đứa con tôi với.
Tôi giờ yếu lắm rồi, không biết còn sống được bao lâu nữa nhưng vẫn muốn sống để nhìn thấy 2 con lập gia đình. Tôi đã lo được cho đứa nào đâu, sao yên lòng được", anh Minh thở dài.