Mũi Ngân sau 4 lần nâng rồi sửa nhưng vẫn bị lệch
Mới đây, cô đến khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm Mỹ, Bệnh viện Việt Nam –Cu Ba Hà Nội khám và tư vấn.
ThS.BS Nguyễn Duy Huân cho biết, Ngân nằm trong số trên 10% dân số bị vẹo mũi bẩm sinh nhưng 4 lần phẫu thuật trước đó, các bác sĩ không phát hiện ra. Những trường hợp này, nếu chỉ nâng mũi đơn thuần, một thời gian ngắn sau sẽ bị lệch vẹo, thậm chí gây khó thở.
Do mũi bệnh nhân đã sửa quá nhiều lần, vẹo vách ngăn, trục mũi và đầu mũi đều bị lệch nên chỉ sử dụng đơn thuần silicon hay sụn vành tai không thể khắc phục triệt để.
Hình ảnh cô gái trẻ sau khi chỉnh sửa lại mũi
Vì vậy, BS Huân phải đục xương 2 bên, tạo thành liên kết xương mới, sau đó kết hợp dùng sụn sườn để dựng trụ mũi và đầu mũi, tái tạo lại vách ngăn, dùng silicon đẩy sống mũi cao hơn. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ. Hiện tại sau hơn 1 tháng phẫu thuật, mũi của Ngân đã cân đối trở lại.
BS Huân chia sẻ, bệnh nhân được lấy 6cm sụn sườn số 6, ngay nếp lằn vú phải. Sau đó sụn được cắt thành lát mỏng, ghép vào trụ mũi, đầu mũi. Do ghép vật liệu tự thân, bệnh nhân không lo bị đào thải.
Vật liệu nâng mũi nào tối ưu?
Theo BS Huân, người Á Đông nói chung đều có mũi ngắn, sống mũi tẹt, cánh mũi bè rộng. Do đó, rất nhiều người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh sửa cho mũi cao dài, thanh thoát hơn, đầu mũi bay hơn.
Thông thường, để nâng mũi, tùy vào kinh nghiệm, các bác sĩ có thể chọn sụn nhân tạo (silicon, ePTFE, medpor) hay sụn tự thân (sụn vành tai, sụn sườn, trung bì). Phổ biến nhất là dùng vật liệu nhân tạo, tuy nhiên có thể bị đào thải hay co rút theo thời gian. Khi phải sửa lại sẽ rất khó đẹp, trường hợp bị lộ đầu mũi, bị nhiễm trùng sẽ để lại sẹo rất khó sửa.
BS Huân thực hiện nâng mũi cho bệnh nhân
Để làm cao và dài đầu mũi, 10 năm trước, các bác sĩ bắt đầu sử dụng sụn vách ngăn mũi kéo dài đầu mũi, song người Việt và người Á Đông nói chung đều có sụn vách ngăn yếu và ít, nên không đủ giúp đầu mũi thon hơn.
Từ năm 2015 trở lại đây, phương pháp này rất ít được sử dụng. Sau đó các bác sĩ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Châu Âu sử dụng sụn sườn (thường lấy sụn sườn số 6 -7) để thay thế.
“Từ xa xưa, các bác sĩ gọt khối sụn sườn rồi ghép lên sống mũi, trong khi sụn sườn cần nuôi qua thẩm thấu mạch máu nên phương pháp này không hiệu quả, tính thẩm mỹ không cao do gây cong vênh. Qua thời gian, các kỹ thuật cắt lát sụn sườn hiện tại đã rất khéo léo, lát cắt mỏng, có thể ghép vào trụ mũi, vách ngăn, đầu mũi và dùng phối hợp với các chất liệu khác nên hiệu quả rất cao”, BS Huân chia sẻ.
Hình ảnh sụn sườn được cắt lát mỏng, sau đó sẽ được gọt cho phù hợp với dáng mũi của từng bệnh nhân trước khi ghép
Tùy từng bệnh nhân, có thể lấy từ 4-6cm sụn sườn. Vết rạch da tại vị trí lấy sụn sườn rất ngắn, khoảng 2-3cm, nếu chăm sóc tốt sẹo rất mờ nên bệnh nhân không cần lo lắng về thẩm mỹ. Đặc biệt, sụn sườn là vật liệu tự thân nên không lo bị đào thải qua thời gian. Đoạn sụn bị mất rất ngắn nên không ảnh hưởng đến sức khoẻ, vận động của bệnh nhân.
Theo BS Huân, phương pháp dùng sụn sườn đặc biệt phù hợp với các bệnh nhân bị biến dạng mũi do dị tật sứt môi, hở hàm ếch, bị biến dạng sau chấn thương, co rút mũi do biến chứng nâng mũi nhiều lần hay nhiễm trùng mũi…
BS Huân chia sẻ, mỗi vật liệu đều có những ưu, nhược điểm riêng, trong nâng mũi có 6 nhóm, tùy dáng mũi, mong muốn của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phối hợp các vật liệu sao cho hiệu quả tối ưu nhất:
Nhóm 1: Những người đã có sống mũi cao sẵn, muốn đầu mũi thon dài hơn, có thể chỉ cần nâng đầu mũi bằng sụn vành tai.
Nhóm 2:Bệnh nhân đã có dáng mũi nhưng thấp, sử dụng nâng sống mũi bằng sụn nhân tạo từ silicon hoặc gore-tex (vật liệu từ nhựa e-PTFE, mềm hơn silicon), kết hợp bọc đầu mũi bằng sụn tự thân (sụn tai, cân thái dương, trung bì mỡ).
Nhóm 3: Dùng sụn nhân tạo (silicon/ePTFE) nâng sống mũi, đầu mũi dùng vật liệu trung bì nhân tạo (alloderm/megaderm).
Nhóm 4:Phải can thiệp vào vách ngăn dùng vật liệu TnR Mesh (là polyeste có khả năng phân hủy sinh học) hoặc Medpor, dùng phối hợp nâng sống mũi bằng sụn nhân tạo (silicone hoặc gore-tex).
Nhóm 5: Dùng sụn nhân tạo nâng sống mũi (silicone, gore- text), kết hợp sụn sườn để làm vách ngăn và đầu mũi.
Nhóm 6: Dùng toàn bộ sụn tự thân, sụn sườn hoặc kết hợp sụn sườn và trung bì mỡ.
BS Huân cảnh báo, nắm bắt được tâm lý thích làm đẹp của nhiều chị em, hiện có rất nhiều spa, tiệm cắt tóc gội đầu cũng quảng cáo nâng mũi.
“Do người làm không có chuyên môn về giải phẫu nên thường rạch đường sai, có ca rạch thẳng vào đầu mũi hoặc rạch trên trụ mũi khiến chất liệu sau độn sẽ lộ ra ngoài”, BS Huân chia sẻ.
Chất liệu độn lộ ra ngoài gây sẹo mũi khó khắc phục
Mũi bị hoại tử (ảnh trái) và đường rạch sai chỉ định
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, chọn vật liệu không đúng, tiệt trùng không tốt, cắt gọt không chuẩn nên mũi sau nâng bị cong vẹo, gồ ghề, nguy cơ chảy máu lớn, nhiễm trùng. Trường hợp xấu nhất có thể nhiễm các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan… do tiệt trùng dụng cụ không tốt.
BS Huân cho biết, hầu như tháng nào cũng tiếp nhận ít nhất 2-3 ca bị biến chứng do nâng mũi ở spa.
Do vậy, mọi người dân muốn làm đẹp cần đến các bệnh viện chuyên về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại các bệnh viện đa khoa; phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để thực hiện nhằm đảm bảo an toàn và thẩm mỹ.
Thúy Hạnh
Mũi quý bà Sài Gòn cụt lủn sau nâng mũi tại thẩm mỹ viện
- Trong 1 năm, chị Tuyết mổ liên tiếp tới 10 lần để chỉnh lại mũi nhưng càng chỉnh mũi càng cụt, mất toàn bộ chóp mũi, cánh mũi.
" alt=""/>Bác sĩ cắt sụn sườn nâng mũi cho cô gái Hà Nội