Doanh nghiệp muốn xây dự án thương mại - dịch vụ trên khu 'đất vàng' 419 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10. Tuy nhiên, UBND TPHCM quyết thu hồi để xây trường học. Ảnh: Báo Người Lao độngTrước đó, tháng 8/2023, UBND TPHCM đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, không công nhận nội dung khiếu nại của Công ty G Sài Gòn, giữ nguyên quyết định thu hồi đất đã ban hành vào tháng 5/2021.
Không đồng ý với nội dung giải quyết này, Công ty cổ phần Giáo dục G Sài Gòn tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần hai đến Bộ TN-MT.
Theo hồ sơ, trước tháng 4/1975, khu đất gần 11.000m2 nói trên do Hãng giày Bata đứng bộ theo Bằng khoán 509 Chợ Lớn - An Đông lập bộ vào tháng 6/1949.
Đến tháng 10/1975, Tổng cục Công nghiệp nhẹ có quyết định công quản toàn bộ vốn và tài sản kinh doanh của Hãng giày Bata. Trên cơ sở hãng giày này, tháng 4/1993, Nhà máy Giày Sài Gòn ra đời và sau đó đổi tên thành Công ty Giày Sài Gòn.
Năm 2000, TPHCM cho Công ty Giày Sài Gòn thuê 13.000m2 đất tại số 419 Lê Hồng Phong để phục vụ sản xuất kinh doanh. Tháng 11/2003, Công ty Giày Sài Gòn cổ phần hoá với vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 51%.
Tháng 3/2007, UBND TPHCM có quyết định cho Công ty Giày Sài Gòn được tiếp tục thuê 10.936,3m2 tại số 419 Lê Hồng Phong để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách… thời hạn thuê đến hết năm 2020. Với 414,5m2 đất còn lại, công ty được tạm sử dụng và phải chấp hành khi giải toả.
Theo đồ án quy hoạch năm 2009, khu đất 419 Lê Hồng Phong là đất công nghiệp sạch. Năm 2015, Nhà nước thoái vốn khỏi Công ty Giày Sài Gòn và đến nay 100% vốn của doanh nghiệp này do tư nhân nắm giữ.
Năm 2016, sau khi kiểm tra hoạt động của Công ty Giày Sài Gòn và Công ty TNHH Thành Bưởi trên khu đất 419 Lê Hồng Phong, UBND Q.10 kiến nghị UBND TPHCM chấm dứt cho thuê đất, thu hồi đất. Trước mắt, thu hồi 4.500m2 khu vực liên quan đến hoạt động bến xe trá hình để xây dựng trường trung học cơ sở.
Thanh tra Sở TN-MT TPHCM cũng đã vào cuộc thanh tra và kiến nghị UBND TP xử lý Công ty Giày Sài Gòn sử dụng đất không đúng mục đích hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất. Đồng thời, xử lý hành vi tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Thu hồi đất để xây trường học
Kiểm tra hiện trạng khu đất 419 Lê Hồng Phong vào tháng 6/2017, đoàn kiểm tra TPHCM ghi nhận “văn phòng giao dịch của Công ty TNHH Thành Bưởi đang hoạt động, việc giao nhận hàng hoá, các phương tiện xe trung chuyển vẫn còn ra vào”.
Sau khi bị xử phạt vì tự ý cho thuê tài sản trên đất, tháng 9/2017, Công ty Giày Sài Gòn xin điều chỉnh mục đích sử dụng từ đất công nghiệp sạch thành đất xây trung tâm thương mại - dịch vụ - văn phòng.
Cùng thời điểm, UBND Q.10 kiến nghị UBND TPHCM giao khu đất 419 Lê Hồng Phòng cho quận quản lý để xây dựng trường học.
Trong khi đó, tại văn bản báo cáo UBND TPHCM vào tháng 12/2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng “khu vực này đã có nhiều trường học, mạng lưới trường học quy hoạch là ổn định”. Nên xem xét phương án dành 2.000m2 xây trường mầm non, phần còn lại giao cho Công ty Giày Sài Gòn xây dự án thương mại - dịch vụ.
Đến tháng 5/2019, UBND TPHCM thống nhất chủ trương sau khi hết hạn hợp đồng cho thuê đất sẽ thu hồi toàn bộ khu đất 419 Lê Hồng Phòng và giao cho UBND Q.10 xây dựng trường trung học cơ sở.
Theo điều chỉnh cục bộ đồ án phân khu quy hoạch tỷ lệ 1/2000 được duyệt tháng 2/2020, khu đất này có chức năng là đất giáo dục.
Năm 2020, Công ty Giày Sài Gòn đổi tên thành Công ty cổ phần giáo dục G Sài Gòn (Công ty G Sài Gòn). Tháng 5/2021, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi 10.936,3m2 đất đã cho doanh nghiệp này thuê.
Tại buổi đối thoại do Bộ TN-MT tổ chức vào tháng 1/2024, đại diện Công ty G Sài Gòn vẫn giữ yêu cầu thu hồi, huỷ bỏ quyết định thu hồi đất. Công ty kiến nghị được tiếp tục thuê đất và thực hiện đầu tư xây dựng phù hợp quy hoạch hoặc có giải pháp hài hoà lợi ích giữa công ty và chính quyền địa phương.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ việc, Bộ TN-MT đã công nhận và giữ nguyên quyết định của UBND TPHCM về việc giải quyết khiếu nại lầu đầu đối với Công ty G Sài Gòn. Yêu cầu doanh nghiệp này chấp hành quyết định thu hồi đất.
Chủ đầu tư ‘siêu’ dự án phức hợp 6 sao trên ‘đất vàng’ TP.HCM bị phạtKhông công bố hàng loạt thông tin về báo cáo tài chính và tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, chủ đầu tư dự án Khu phức hợp 6 sao The Spirit of Saigon trên "đất vàng" TP.HCM vừa bị xử phạt.">