Fang Fang,àmnghềthửđồchongườichếtcôgáitrẻbịdèmc vs tot 30 tuổi, một người mẫu chuyên mặc thử quần áo cho người chết, tới từ Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) đang phá vỡ những điều cấm kị và hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ dư luận.
Công việc của cô là mặc thử trang phục mai táng để giúp người thân của người đã khuất chọn một bộ trang phục phù hợp để mai táng.
Gắn bó với công việc này từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 2013, Fang thử tất cả các loại quần áo được thiết kế cho người chết và đăng chúng trên Douyin, TikTok.
Cô cho rằng đây là một công việc có giá trị bởi vì người chết cũng xứng đáng được đối xử bằng sự tôn trọng giống như người còn sống, nếu không muốn nói là còn hơn cả người sống.
Fang đăng những bức ảnh mặc thử quần áo dành cho người chết lên mạng xã hội. |
“Nhiều khách hàng đến cửa hàng chúng tôi thậm chí còn không dám chạm vào bộ quần áo vì đó là điều cấm kị”, Fang nói.
“Phải có ai đó xử lý những bộ trang phục này. Tôi mặc thử chúng để gia đình có thể đưa ra quyết định xem chúng có vấn đề gì không. Họ cũng có thể tìm ra những sai sót để chúng tôi cải thiện cho lần sau”.
Không giống như nhiều người khác, bắt buộc phải làm công việc này khi không tìm được việc làm, Fang quyết tâm gắn bó với nó ngay từ ngày rời trường đại học, nơi cô theo học chuyên ngành Quản lý tang lễ.
“Bố tôi đã cảnh báo khi tôi quyết định làm một người bán áo quan. Bố nói: ‘Đừng hối tiếc đấy’. Tôi trả lời ông rằng: "Không, con sẽ không bao giờ hối tiếc”, Fang nhớ lại.
Một ngày điển hình của Fang thường bao gồm các công việc: làm sạch cơ thể, trang điểm và mặc quần áo cho người chết. Cô thích công việc này vì nó mang lại sự thoải mái cho mọi người.
“Một số người chết với khuôn mặt cay đắng. Khi tôi dùng bàn tay mình làm cho họ trông an yên hơn, tôi thấy rất vui và hài lòng vì gia đình họ sẽ rất biết ơn”, cô nói.
Nhưng quyết định gần đây của Fang về việc mặc mẫu những bộ trang phục đã khiến cô bị chỉ trích nặng nề trên mạng.
Một số người đã nói những câu khó chịu như: “Bạn nên nằm xuống, sẽ trông giống người chết hơn”. “Cô thực sự không còn giới hạn nào”, một người khác nhận xét.
Nhưng Fang chỉ cười: “Họ có thể nói bất cứ điều gì họ thích. Tôi sẽ chỉ là chính mình”.
Ở Trung Quốc có một định kiến nhiều năm nay rằng những công việc liên quan tới cái chết sẽ mang lại những điều không may mắn. “Một số bạn cũ của tôi rất ngạc nhiên khi tôi nói về công việc của mình. "Tại sao bạn lại làm việc này? Tại sao bạn không chọn việc khác?", họ hỏi tôi như thể công việc này khiến tôi thua kém người khác”.
Fang thừa nhận, những ngày đầu tiên cô có sợ hãi, ngay cả khi đã có một người khác đi cùng cô.
“Lần đầu tiên được cử đi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều trong suốt chặng đường. Trước đó, tôi chưa từng chạm tay vào một người chết. Tôi tự hỏi mình những suy nghĩ điên rồ như liệu ông ấy có đột nhiên bật dậy không… nhưng tôi đã gặp may.
Hoá ra đó là một cụ bà trông rất hiền lành và tôi không thấy sợ hãi chút nào. Đến lần thứ 2 và thứ 3 thì tôi không còn sợ hãi nữa”, cô nói.
Fang hi vọng việc mặc thử sẽ giúp gia đình người đã khuất dễ dàng chọn trang phục phù hợp hơn. |
Fang đã từng chứng kiến rất nhiều cái chết nhưng tồi tệ nhất vẫn là cái chết của trẻ con và của những người trẻ chết trước cha mẹ họ.
Cô cũng không cố kìm nén cảm xúc của mình. Một lần, cô phải chuẩn bị cho một bà mẹ trẻ khoảng 30 tuổi chết vì ung thư, bỏ lại một đứa con gái mới 3 tuổi.
“Lúc bước vào, tôi thấy người chồng đang khóc nhưng bé gái chỉ chào tôi một cách rất điềm nhiên và lễ phép. Cô bé đề nghị tôi ngồi xuống để chơi cùng… Nó không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi đã bật khóc”, Fang kể.
Những năm gần đây, sự kỳ thị với những người làm tang lễ đã giảm bớt nhiều và có nhiều người trẻ hơn gắn bó với ngành công nghiệp truyền thống này, Fang nói.
So với với các nghi lễ truyền thống, những người trẻ tuổi có xu hướng khiến những giây phút tiễn biệt mang tính riêng tư hơn cho gia đình người đã khuất.
“Ví dụ như trước kia chúng tôi chỉ sử dụng nhạc lễ truyền thống để tiễn đưa người chết. Nhưng khi thế hệ trẻ tham gia vào lĩnh vực này, những người thân được đề nghị chọn loại nhạc người đã khuất yêu thích”.
“Nó không nhất thiết phải là nhạc tang lễ buồn. Nó có thể là bất cứ loại nhạc nào người đã khuất thích hoặc người thân của họ thích. Nó làm cho buổi lễ trở nên ấm áp hơn, chứ không chỉ có sự ai oán”.
Fang tư vấn cho gia đình người đã khuất chọn trang phục phù hợp. |
Mạng xã hội phát triển mạnh mẽ cũng giúp nhiều người có cơ hội tìm hiểu và đánh giá công việc của những người như Fang hơn.
Luo Liang, một trong những người hâm mộ Fang trên Douyin, nói rằng cô tôn trọng Fang vì thái độ sống của cô ấy. “Cô ấy làm cho chúng ta trân trọng cuộc sống và yêu thương những người xung quanh mình”.
“Những gì cô ấy làm khiến những người còn sống trân trọng cuộc sống của mình, còn những người chết sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng”, một người hâm mộ khác chia sẻ.
Dân số có xu hướng già đi khiến số người chết ở Trung Quốc tăng lên nhanh chóng mỗi năm. Theo số liệu chính thức, số người chết năm 2013 là 9,72 triệu người đã tăng lên 9,98 người vào năm 2019.
Do đó, thị trường dịch vụ tang lễ ngày càng được mở rộng. Tổng doanh thu ngành này tăng gần gấp đôi - từ 21,6 tỷ USD vào năm 2013 lên 40,8 tỷ USD vào năm 2020.
Với Fang, việc giúp mọi người vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong cuộc sống của họ lại chính là mong muốn của cô.
“Thực tế là càng làm nghề này lâu, tôi càng thấy thích thú với nó”.
Đăng Dương(Theo SCMP)
Có những nghề chỉ nói tới thôi đã khiến nhiều người rùng mình, nổi da gà hoặc thậm chí ám ảnh. Nghề 'nghề trang điểm cho xác chết' tại Nhà tang lễ TP Hà Nội cũng là một nghề như vậy.