Nỗ lực tiêm chủng từng ngày Ngày 8/3/2021,ựbaophủvắb bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là người đầu tiên được tiêm vắc xin Covid-19 tại TP. Đây là lô vắc xin phòng Covid19 AstraZeneca đầu tiên của Việt Nam. Trong đợt này, vắc xin được tiêm cho nhân viên y tế - những người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch. Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, người đầu tiên tiêm vắc xin Covid-19 ngày 8/3/2021 Ngày 19/6, chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay của TP.HCM với 836.000 liều chính thức bắt đầu tại Khu Công nghệ cao. Sau đó, mở rộng cho lực lượng công nhân của TP, những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất. “Đây là đợt phân bổ vắc xin lớn nhất cho TP.HCM”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết. Tháng 7, chiến dịch quốc gia tiêm chủng vắc xin Covid-19 được phát động. Riêng TP.HCM huy động tối đa lực lượng y tế công - tư cùng tham gia, nâng công suất tiêm chủng lên mức cao nhất. Với trên 1.000 điểm tiêm, có thời điểm, TP đạt đến 280.000 mũi/ngày. Để tăng tối đa số người dân được tiêm ngừa trong khi vắc xin hạn chế, TP.HCM đã “tiết kiệm” từng giọt. Thay vì 1 lọ AstraZeneca tiêm cho 10 người, nhân viên y tế sẽ dùng kim tiêm phù hợp và kỹ thuật để lấy thành 11-12 mũi. “Do trong quy cách đóng gói, nhà sản xuất luôn đóng dôi dư ra 1-2 liều vắc xin nên số mũi tiêm cao hơn số liều được bàn giao”, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết. Để tăng tốc tiến độ, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đã cử các đội tiêm lưu động đến từng nhà tiêm vắc xin cho người dân. Nhân viên y tế làm xuyên trưa, xuyên tuần để nhanh chóng tăng độ phủ vắc xin trong cộng đồng. Người già, người bệnh nền được ưu tiên bảo vệ. Trong khi đó, tại phường 14, quận 8, chính quyền địa phương đưa sáng kiến, sẽ tặng mỗi người dân 5kg gạo khi đi tiêm ngừa. Nhờ vậy, tỷ lệ tiêm chủng dần tăng lên ở từng địa bàn. Riêng vắc xin Vero Cell, TP.HCM đã tiêm cho 3.201.431 người. Tất cả đều an toàn. Bên cạnh đó, vắc xin Sputnik V cũng được phân bổ cho TP. Thủ Đức 20.000 liều để tổ chức tiêm chủng vào giữa tháng 10. Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được sử dụng tại TP.HCM Để tăng nhanh độ phủ, ngày 24/9, TP.HCM chính thức cho phép rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vắc xin Astra Zeneca xuống tối thiểu 6 tuần (thay vì từ 8-12 tuần như trước). Trước đó, Bộ Y tế cũng cho phép người tiêm mũi 1 AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 khi đến hạn bằng vắc xin Pfizer. Tại các bệnh viện, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú được ưu tiên tiêm ngừa, để đảm bảo an toàn trước đại dịch. Vắc xin - cơ sở quan trọng để kiểm soát dịch Đến cuối tháng 9, TP.HCM cán mốc 10 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19. Đến hết ngày 21/10, TP tiêm được 12.697.067 mũi tiêm, trong đó 5.558.512 người tiêm mũi 2. Người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi là 99%, người tiêm đủ 2 mũi là 77%. Theo cổng tiêm chủng vắc xin Covid-19, TPHCM được phân bổ 14.091.264 liều, tỷ lệ phân bổ vắc xin là 19,1%, cao nhất trong cả nước. PGS. Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM nhận định, sự bao phủ vắc xin làm thay đổi tư duy về chống dịch. Nếu không có vắc xin, tính trung bình, cứ 100 người nhiễm, thì 5 người nặng nằm ICU và 2 người tử vong. Đến tận nhà tiêm vắc xin Covid-19 cho người già quận Tân Phú, TP.HCM Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng bày tỏ, TP có thuận lợi được Chính phủ ưu tiên phân bổ vắc xin để tạo miễn dịch cho cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thái (nhà khoa học, Việt kiều Mỹ) nhận định, “Chính phủ đã nỗ lực tuyệt vời trong chính sách ngoại giao vắc xin, mang vắc xin về cho người dân”. Từ đó, TP.HCM được phân bổ lượng vắc xin đáp ứng với yêu cầu phòng dịch. Tuy nhiên, trong công tác tổ chức ban đầu, vẫn còn sự cố như tập trung quá đông người, không đảm bảo an toàn, thậm chí mang nguy cơ lây nhiễm cho người tham gia. Bên cạnh đó, các phần mềm tiêm chủng chưa đồng bộ khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Với những kết quả tích cực về vắc xin tại TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo ngành y tế tiếp tục tập trung tiêm vắc xin cho toàn bộ người trên 18 tuổi trong tháng 10. “TP sẵn sàng nguồn vắc xin Covid-19 cho người lao động quay trở lại làm ăn sinh sống”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng khẳng định TP đảm bảo quyền lợi cho người lao động ngoại tỉnh. Một bước tiến dài hơn, khi Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, trong nhóm 12-17 tuổi. “Vắc xin sẽ ưu tiên cho những đơn vị sắp đưa học sinh trở lại trường học”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết. TP.HCM sẽ tiêm cho trẻ em ngay khi Bộ Y tế phê duyệt loại vắc xin và hướng dẫn tập huấn. Tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp, 1 trong những điểm nóng của TP.HCM trong dịch Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thái cảnh báo, thành quả vắc xin hiện tại của TP.HCM chưa phải là lý tưởng khi thế giới đang đối mặt với chủng virus mới. “Virus ngày càng tinh khôn”, TS Thái nhấn mạnh. “Trước đây, virus thầm lặng lây lan, tấn công vào người già, người bệnh rồi sau đó là người trẻ. Giờ đây, các biến chủng virus mới như MU hay Delta plus với tốc độ lây lan nhanh hơn chủng cũ là cảnh báo cần có chiến lược ứng phó mới. Nếu không, thành quả hiện tại có thể mất đi”, TS Thái tâm tư. TS Thái đề xuất, Việt Nam hiện có nguồn lực từ vắc xin nội. “Bỏ qua vắc xin nội địa, chúng ta đang bỏ qua vài chục triệu liều vắc xin có thể sản xuất trong nước. Tôi hi vọng người dân cả nước có thể sớm được tiêm đầy đủ, chủng ngừa sớm trước chủng Delta. Đồng thời, chính quyền cần sớm có chiến lược để sẵn sàng ứng phó khi nguy cơ từ các biến chủng virus ngày càng phức tạp đang xuất hiện trên thế giới. Việt Nam không phải ngoại lệ” TS Thái chia sẻ. Linh Giao Bộ Y tế thông tin chi tiết về 3 loại vắc xin Covid-19: Hayat-Vax, Sinopharm và AbdalaBộ Y tế vừa xây dựng infographic "Thông tin cần biết về 3 loại vắc xin phòng Covid-19" gồm vắc xin Hayat-Vax, vắc xin Sinopharm và vắc xin Abdala. |