|
Kinh tế số là cơ hội cho Việt Nam bứt phá
Hôm nay, ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ đã có buổi làm việc với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Bộ TT&TT luôn "đau đáu" làm thế nào đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT. Bộ mong muốn Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam góp sức giúp Bộ đạt được mục tiêu này. “Việt Nam đã có 500.000 người hoạt động trong lĩnh vực CNTT, viễn thông. Với một lực lượng lao động rất lớn như hiện nay, nếu chúng ta có được 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực này thì sẽ đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT”, người đứng đầu Bộ TT&TT nói.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà nhận định, kinh tế số là cơ hội để Việt Nam có thể bứt phá, trở thành một nền kinh tế hiện đại trong tương lai gần. “Việt Nam đã hội nhập, trong nhiều lĩnh vực chúng ta đi sau nên cơ hội không nhiều và để đuổi kịp sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể lật ngược thế cờ để phát triển kinh tế, trở thành một trong những nước có thể hiện đại hóa, công nghiệp hóa bằng tri thức của con người. Kinh tế số dựa trên sự gia tăng mạnh mẽ mà không cần phải bỏ nguồn vốn lớn, cần trí tuệ con người vốn là lợi thế của Việt Nam”, ông Sơn chia sẻ.
Theo đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Trung ương Hội đã có sáng kiến cùng với Trung ương Đoàn thành lập Diễn đàn kinh tế tư nhân. Dự kiến diễn ra vào ngày 3/6/2016 tại Hà Nội với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt 2016 sẽ có 10 phiên thảo luận chuyên đề gồm 7 chuyên ngành được gọi là chủ lực của kinh tế Việt Nam được ưu tiên phát triển trong thời gian tới và 3 lĩnh vực hoạt động. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình sẽ là Chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam lần thứ nhất và cũng là Chủ tịch của phiên thảo luận chuyên đề về Kinh tế số.
Còn theo chia sẻ của ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc FPT, thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay tổ chức ở Davos, đã xuất hiện cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó dựa trên nền công nghệ số kết hợp với nhiều khoa học khác sẽ đưa đến sự chuyển mình vượt bậc của thế giới trong thời gian tới. Việt Nam thực sự chưa hình thành rõ nền kinh tế số nhưng chúng ta có lợi thế để phát triển kinh tế số. Bởi lẽ, nền kinh tế số không cần quá nhiều vốn, ngược lại cần nhiều nhân lực trẻ. Việt Nam có nhân lực trẻ, có thuận lợi từ xu hướng công nghệ mới như SMAC, Internet of Things...
Ông Ngọc cho biết, chúng ta từng bỏ lỡ nhiều cơ hội. Ví dụ như khi sự cố năm 2000 xảy ra, thế giới phải chuyển mình, phải xây dựng lại hệ thống thông tin, chúng ta không bắt kịp. Hay như vào đầu những năm 80, ở Việt Nam đã xây dựng thành công máy vi tính đầu tiên, trước cả Đài Loan, Hàn Quốc; thế nhưng sau đó chúng ta tuột mất đà và đến giờ Đài Loan, Hàn Quốc đã vượt rất xa. “Giờ đây đứng trước cơ hội từ kinh tế số, liệu chúng ta có theo kịp hay không? Đây là một câu hỏi rất trăn trở của không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà ngay cả các doanh nghiệp CNTT như FPT. Có thể thấy rằng thời cơ có, vận hội có nhưng nắm bắt được hay không lại là câu chuyện rất lớn. Tôi nghĩ rằng cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải ý thức điều đó để đẩy mạnh, làm sao để chúng ta thực sự hòa nhập được vào kinh tế thế giới”, ông Ngọc nói.
Doanh nghiệp viễn thông, CNTT cần vươn mạnh ra thế giới
Từ quan điểm của người làm CNTT lâu năm, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho rằng: “Nhà nước phải có chính sách đặc biệt để thúc đẩy kinh tế số phát triển. Mặt khác, doanh nghiệp và công dân cần hưởng ứng, phải là quan hệ hai chiều. Trong đó, đầu tiên là xác định được các cấu thành của kinh tế số để xem nó là cái gì để tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường cũng như là đầu tư vào công nghiệp số”.
">