Trước tình hình đó, Bộ tổng Tư lệnh Tối cao Liên Xô quyết định mở chiến dịch Praha nhằm thanh toán cụm quân Đức bám trụ tại đây, giải phóng thủ đô Praha và cả nước Tiệp Khắc. |
Xe tăng Liên Xô trên Quảng trường Wenceslas ở Praha,Tiệp Khắc năm 1945. Ảnh: AP/TASS |
Tham gia chiến dịch, Hồng quân có các phương diện quân (PDQ) Ukraina 1 do Nguyên soái I. S. Konev làm tư lệnh, PDQ Ukraina 2 do Nguyên soái R. Ya. Malinovsky làm tư lệnh, PDQ Ukraina 4 do Đại tướng A. I. Eryomenko làm tư lệnh. Ngoài ra, còn có các đơn vị kháng chiến Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania. Tính chung, Hồng quân và các đồng minh có 2.028.000 quân, 2.000 xe tăng và pháo tự hành, 35.000 pháo và súng cối, 4.000 máy bay.
Về phía Đức quốc xã, ngoài Cụm tập đoàn quân (TĐQ) Trung tâm (Đức) do thống chế Ferdinand Shhoner chỉ huy, còn có Cụm TĐQ Áo và các đơn vị thuộc Quân đội giải phóng Nga (ROA-lực lượng quân sự gồm những tên phản bội và hàng binh). Tính chung, quân đội Đức quốc xã và quân đồng minh, bù nhìn có trên 900.000 người, 9.700 pháo và súng cối, 1.900 xe tăng và khoảng 1.000 máy bay.
Ngày 5/5/1945, những người yêu nước Tiệp Khắc phát động cuộc khởi nghĩa, bị quân Đức đàn áp nên đã kêu gọi Hồng quân giúp đỡ. Tình huống này đã thúc đẩy chiến dịch diễn ra sớm hơn so với kế hoạch.
Thay vì ngày 7/5, sáng 6/5/1945, các đơn vị xung kích của các PDQ Ukraina 2 và Ukraina 4 đồng loạt đột kích từ các hướng tây bắc, tây, tây nam, đông nam và nam Praha với tốc độ 25-45 km/ngày. Riêng trên hướng bắc và đông bắc Praha, các đơn vị thuộc PDQ Ukraina 1 tấn công với tốc độ vừa phải, một số đơn vị khác tạm thời chưa hành động, để không đẩy quân Đức sang phía tây (nơi quân Anh-Mỹ đóng) khi vòng vây chưa khép chặt Praha.
Ngày 7/5, Bộ chỉ huy quân đội Đức quốc xã ký văn bản đầu hàng tại Reims, Pháp, nhưng sức kháng cự của quân Đức tại Tiệp Khắc không hề giảm đi. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Tổng tư lệnh Tối cao I. V. Stalin nói: "Chiến tranh chưa thực sự chấm dứt" và yêu cầu các PDQ Liên Xô buộc quân Đức phải giao nộp vũ khí và đầu hàng, trong trường hợp tiếp tục chống cự thì dùng toàn bộ sức mạnh tấn công, tiêu diệt. Các đơn vị Hồng quân tăng tốc độ tấn công, đến cuối ngày 8/5 chỉ còn cách Praha hơn 20 km về phía đông nam.
Đêm 8 rạng ngày 9/5/1945, Công ước chính thức về việc nước Đức quốc xã đầu hàng Đồng minh được ký kết. Tuy nhiên, viện cớ không liên lạc được với các đơn vị, thống chế Shhoner không ra một mệnh lệnh nào đề cập đến việc chấm dứt hành động quân sự của Cụm TĐQ Trung tâm, đồng thời xúc tiến kế hoạch đưa cánh quân này ra đầu hàng quân Mỹ ở phía tây Tiệp Khắc. Hàng loạt đơn vị quân Đức tiếp tục kháng cự điên cuồng.
Tuy nhiên, các cố gắng đó của quân Đức đều không đem lại kết quả. Sáng ngày 9/5, các TĐQ Hồng quân dồn dập từ các hướng kéo vào Praha. Cụm TĐQ Trung tâm (Đức) bị dồn vào một cái chảo lớn-là cái chảo lớn cuối cùng mà quân Đức bị giam hãm trong chiến tranh Thế giới thứ hai. Từ ngày 9 đến ngày 11/5, các đơn vị thuộc cánh trái của PDQ Ukraina 2 và cánh phải của PDQ Ukraina 1 tiến đến tuyến phân giới giữa quân đội Liên Xô và quân đội Anh-Mỹ, được vạch ra theo thỏa thuận ở Hội nghị Yalta.
Mất Praha, hơn nửa triệu tàn quân Đức tại phía đông Praha không còn hy vọng rút lui an toàn sang tuyến kiểm soát của quân đội Mỹ như dự kiến nhưng vẫn không chấp hành lệnh đầu hàng từ Berlin, và các hoạt động quân sự của quân Đức chống lại Hồng quân vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, trước sức ép mạnh mẽ của Hồng quân, từ ngày 10 đến ngày 13/5, các đơn vị Đức lần lượt ra hàng.
Kết thúc chiến dịch, Hồng quân tiêu diệt 40.000 tên địch, bắt sống 860.000 tên-trong đó có hơn 60 sĩ quan cấp tướng. Ngoài các loại vũ khí trang bị đã phá hủy, Hồng quân thu 1.100 máy bay, 9.500 khẩu pháo và súng cối, 1.800 xe tăng và pháo tự hành, 18.400 đại liên và trung liên, 312.200 tiểu liên và súng trường, 76.300 ô tô và hơn 500 kho hàng quân sự. Phía Hồng quân có 140.000 sĩ quan, chiến sĩ hi sinh trong sứ mạng giải phóng Tiệp Khắc.
Ngày 13/5, Quân đoàn xe tăng 25, TĐQ Cận vệ 3 của Thiếu tướng Fominyk trong khi hành quân đã phát hiện và vây bắt toàn bộ ban tham mưu, sĩ quan và binh lính Sư đoàn 1 thuộc quân đội ROA của viên hàng tướng Vlasov đang trốn trú ở đông nam thành phố Plzen. Ngày 29/5, trước sức ép của phía Liên Xô, Anh buộc phải chuyển giao toàn bộ ban lãnh đạo gồm 125 tên của Phong trào dân tộc Nga tự do (KONR) của cựu trung tướng Bạch vệ Krasnov cùng nhiều sĩ quan cao cấp của ROA. Đến ngày 16/1/1947, Krasnov cùng nhiều thành viên KONR bị Tòa án tối cao Liên Xô tuyên án tử hình vì tội phản quốc.
Chiến dịch Praha là một trong những chiến dịch có tốc độ tấn công nhanh nhất trên mặt trận Xô-Đức. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch tấn công chiến lược cuối cùng này tại châu Âu, hơn 10.000 quân nhân Liên Xô, Tiệp Khắc, Romania và Ba Lan được tặng thưởng huy chương Vì sự giải phóng Praha của Liên Xô; hàng nghìn người được tặng thưởng huân chương của nhà nước Tiệp Khắc. Hàng trăm sĩ quan, binh sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Anh hùng Tiệp Khắc. Hàng chục nghĩa trang đã được xây dựng để mai táng hơn 140.000 quân nhân Liên Xô và hàng chục nghìn quân nhân Tiệp Khắc, Ba Lan, Romania tử trận. Nhiều đài tưởng niệm được dựng lên tại Praha và một số thành phố miền tây Tiệp Khắc.
Nguyên Phong
>>> Đọc tin lịch sử thế giới trên Vietnamnet
“Trận Stalingrad thứ hai” trong Đệ nhị thế chiến
Chiến dịch Budapest là một trong những chiến dịch phức tạp và khó khăn nhất đối với Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II.
" alt=""/>Chiến dịch cuối cùng Praha của Hồng quân Liên Xô ở châu Âu