|
VPCP cũng cho biết, về xây dựng Chính phủ điện tử, trong năm nay, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới VPCP, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, VPCP đã hoàn thiện liên thông gửi nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số chuyên dùng với UBND 14 tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và 2 bộ: Y tế, Văn hóa-Thể thao và Du lịch; đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện liên thông với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và với 10 UBND tỉnh, thành phố Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Sóc Trăng. Ngoài ra, VPCP đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn lại để sớm hoàn thiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản.
Bên cạnh đó, VPCP đang triển khai tích hợp thông tin kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (theo Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định 42 ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ) lên hệ thống kết nối liên thông cập nhật tình hình, theo dõi kết quả một cách tự động và trực tuyến.
Nhiệm vụ xây dựng Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia từ nguồn kinh phí Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam cũng đang được VPCP triển khai. Thời điểm hiện tại, hệ thống thử nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp một số dịch vụ công mức độ 3, 4 từ một số bộ, ngành, địa phương.
">