Hệ thống báo in, báo điện tử có sự thay đổi rõ rệt về cách thức thông tin
Thừa ủy quyền của Thủ tướng,ệthốngbáoinbáođiệntửcósựthayđổirõrệtvềcáchthứcthôkim tan Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Lĩnh vực báo chí với nhiều nội dung được Bộ TT&TT báo cáo đến các Đại biểu Quốc hội.
Về quy hoạch báo chí, việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Hệ thống báo chí in, báo điện tử có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí.
Về việc rà soát cấp lại giấy phép hoạt động báo chí theo quy hoạch được thực hiện thường xuyên. Việc cấp giấy phép đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; quy định tôn chỉ, mục đích rõ ràng, bám sát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Từ 1/1/2020 đến nay, Bộ TT&TT đã cấp lại hơn 300 giấy phép hoạt động báo, tạp chí.
Về xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TT&TT ban hành kế hoạch xử lý. Bộ TT&TT đã ban hành tiêu chí nhận diện "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.
Các cơ quan báo chí đều nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động...
Từ năm 2022 đến nay, Bộ TT&TT đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép với tổng số tiền 889 triệu đồng. Trong đó 1 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng.
Ban hành 13 quyết định xử phạt cơ quan báo chí đối với hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, 2 quyết định xử phạt cá nhân đối với hành vi cử phóng viên hoặc giao quyền cho cấp dưới cử phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.
Các cơ quan báo chí đã gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích.
Cơ quan chủ quản cũng nhận thức việc buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí và cam kết sẽ chỉ đạo tạp chí khắc phục.
Tạm dừng 70 tên miền có dấu hiệu "báo hóa"
Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2023, Bộ TT&TT đã cấp 45 giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp (giảm 41% với cùng kỳ năm ngoái); 28 giấy phép thiết lập mạng xã hội (giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã xử lý nghiêm đối với trường hợp có dấu hiệu “báo hóa”, đã xử phạt hành chính 100 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tước quyền sử dụng giấy phép đối với 3 trường hợp.
Bộ cũng chỉ đạo đơn vị chuyên môn tạm dừng 70 tên miền, ngăn chặn hơn 45 trường hợp tên miền vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử.
Bộ TT&TT rà soát, đánh giá, lập danh sách 77 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý. Cơ quan chức năng đã mời 34 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và 43 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thuộc nhóm đối tượng có dấu hiệu “báo hóa” nêu trên đến làm việc.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp (trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như báo chí gây nhầm lẫn cho độc giả, thể hiện từ hình thức, nội dung trang, đến việc tổ chức nhân lực, hoạt động nghề nghiệp) do quy định của pháp luật hiện hành chưa chặt chẽ, đầy đủ...
Một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng kẽ hở này để “báo hóa”, tự sản xuất tin bài hoặc cung cấp nội dung gây nhầm lẫn như là cơ quan báo chí. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường hợp sai phạm nhiều lần, cần đình chỉ, thu hồi giấy phép.
Tình trạng vi phạm bản quyền báo chí trên trang thông tin điện tử tổng hợp đã giảm so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn do nhận thức và hiểu biết pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế dẫn đến việc hình thành hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra thường xuyên. Có trường hợp cố tình vi phạm.
Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội kém, thậm chí cố tình vi phạm nhiều lần, cơ quan quản lý Nhà nước khó xử lý, rút giấy phép ngay vì vướng quy trình xử lý theo quy định. Các quy định chưa đủ chặt chẽ, chế tài xử phạt còn thiếu, mức phạt thấp chưa đủ sức răn đe.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó thể chế hóa khái niệm “báo hóa”, tập trung sửa đổi, bổ sung quy định quản lý trang tin, mạng xã hội, tên miền, hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng, quản lý nền tảng xuyên biên giới…
Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT rà soát toàn bộ giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi cung cấp thông tin của từng trang, yêu cầu ghi rõ từng chuyên mục vào giấy phép.
Đưa đầy đủ dữ liệu giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của 63 tỉnh, thành lên trên trang mic.gov.vn.
Tăng cường rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về “báo hóa” trang tin điện tử, mạng xã hội, về đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.