Ngày 7/12, các chủ nhân giải VinFuture 2024 đã có buổi giao lưu ý nghĩa, truyền cảm hứng trước hàng trăm sinh viên, các nhà khoa học trẻ, cộng đồng khởi nghiệp tại Trường Đại học VinUni (Gia Lâm, Hà Nội).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS Yann LeCun, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho AI, nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia có nhiều người trẻ tài năng, với nhiều triển vọng phát triển.
Ông cho rằng, công nghệ AI đang phát triển rất nhanh nhờ các ngành công nghiệp trên thế giới, nhưng công nghệ hiện tại vẫn còn đang rất hạn chế.
Vị chuyên gia gợi ý Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế về con người và chính sách để đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ, đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực còn chưa được khai phá, và sau đó bứt tốc.
"Cơ hội cho sinh viên, thạc sĩ và nghiên cứu sinh của Việt Nam là vô cùng rộng mở để đóng góp vào sự phát triển của AI", GS LeCun chia sẻ.
Gửi lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ yêu khoa học của Việt Nam, GS LeCun cho biết: "Hãy tự đặt câu hỏi: Có điều gì nhân loại chưa làm được? Có điều gì AI chưa giải quyết được để đưa con người lên tầm cao mới?".
GS LeCun cũng khuyên rằng, Việt Nam nên hướng tới mô hình xây dựng phòng nghiên cứu tại các trường đại học, và thậm chí là tại các công ty thuộc lĩnh vực liên quan.
Vì theo ông, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng được hệ sinh thái dành cho các startup, cũng như cơ hội ứng dụng công nghệ cho tất cả mọi người.
GS Yoshua Bengio, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Mila, Montreal (Canada), cũng nhấn mạnh vào yếu tố hạ tầng. Ông cho biết: "Để phát triển về AI, chúng ta sẽ cần có những nguồn lực về các nhà khoa học và nguồn lực về cơ sở hạ tầng".
"Chúng ta sẽ cần phải đầu tư khá nhiều cho cơ sở hạ tầng. Nếu Việt Nam có thể làm tốt điều này, thì các quốc gia khác thậm chí có thể xem các bạn như là hình mẫu để noi theo", GS Yoshua Bengio cho biết.
Vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang rất quan tâm đến khoa học công nghệ, không chỉ ở góc độ chính phủ mà cả người dân nói chung. Theo vị chuyên gia này, đây là yếu tố cốt lõi để hướng tới một tương lai rộng mở.
Ông nhấn mạnh: "Hãy tìm cách ứng dụng AI vào cuộc sống thực tế. Khoa học cần phục vụ cộng đồng, và các bạn trẻ chính là những người thực hiện điều đó".
Trước đó, trong ba ngày 4, 5 và 6/12, các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng đã tham dự chuỗi đối thoại tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội...
Chuỗi đối thoại mang tên "Khám phá tương lai VinFuture" là cầu nối quan trọng để kết nối các nhà khoa học hàng đầu thế giới với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Những đối thoại đã tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp cho những thách thức toàn cầu và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu như: "Những đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến", "Tương lai của trí tuệ nhân tạo"; "Trí tuệ nhân tạo: Những đổi mới đột phá trong giáo dục đào tạo và thành tựu mới"; "Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh", "Triển vọng tương lai trong phòng ngừa đột quỵ"…
Đây được xem là cơ hội để các bên chia sẻ định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược về việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong giáo dục, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Vào ngày 6/12, GS Yann LeCun, GS Yoshua Bengio, GS Geoffrey E. Hinton, GS Fei-Fei Li, ông Jen-Hsun Huang, đã nhận Giải thưởng VinFuture Grand Prize trị giá 3 triệu USD, vinh danh những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của Học sâu (Deep Learning).
Với sự thành công của 4 mùa giải liên tiếp, Giải thưởng VinFuture đã ngày càng khẳng định vị thế là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ uy tín hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, ngày càng nhiều Chủ nhân Giải thưởng VinFuture tiếp tục được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế uy tín lâu năm trên thế giới đã cho thấy tầm nhìn và tính tiên phong của VinFuture.